Kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2022)

Cách đây 97 năm, ngày 21/6/1925, Báo Thanh niên – Cơ quan ngôn luận của tổ chức “Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội”, do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập đã ra số đầu tiên, đây là tờ báo cách mạng đầu tiên của nước ta. Từ đó đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, báo chí cách mạng Việt Nam đã không ngừng trưởng thành, vững mạnh về mọi mặt, trở thành lực lượng nòng cốt trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng, là tiếng nói trách nhiệm, tâm huyết của Nhân dân đối với sự nghiệp đấu tranh, xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
 
Ngày 21/6/1925, ngày ra mắt số đầu tiên của Báo "Thanh niên" do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập. Ảnh: Tư liệu

Trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam, từ những năm 60 thế kỷ XIX đã có “Gia Định báo” và một số báo khác lần lượt ra đời tại Sài Gòn, Hà Nội và một vài địa phương khác. Những năm đầu thế kỷ XX, hàng loạt tờ báo của người Việt Nam được xuất bản, tập hợp nhiều nhà văn, nhà báo, nhà trí thức theo từng nhóm nhỏ nhưng có các khuynh hướng chính trị khác nhau, nên không thể tập hợp vào chung một tổ chức thống nhất. Đến ngày 21/6/1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Báo Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, ra mắt số đầu tiên thì dòng báo chí cách mạng Việt Nam mới bắt đầu hình thành. Từ khi có Báo Thanh niên – tờ báo cách mạng Việt Nam đầu tiên, báo chí Việt Nam đã giương cao ngọn cờ cách mạng, nói lên ý chí, khát vọng của dân tộc Việt Nam và chỉ rõ phương hướng đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Nói khái quát là Báo Thanh niên mở đầu cuộc cách mạng tư tưởng, đưa nền tảng tư tưởng truyền thống của dân tộc ta lên một tầm cao mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người đào tạo những người làm báo vô sản đầu tiên của Việt Nam.

Sau ngày thống nhất đất nước, báo chí ở nước ta đã phát triển khá nhanh về số lượng và chất lượng, hình thành hệ thống thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình rộng khắp cả nước. Trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chống tiêu cực và các tệ nạn xã hội, báo chí cả nước đã phát huy vai trò xung kích, thể hiện rõ chức năng giám sát của nhân dân. Nội dung thông tin của báo chí ngày càng phong phú, hiệu quả, hình thức đẹp, sinh động và hấp dẫn. Nhờ có công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, báo chí đã có bước tiến nhảy vọt về chất và lượng. Đội ngũ báo chí điện tử, báo chí trực tuyến phát triển mạnh mẽ cùng với các nhà cung cấp dịch vụ Internet tạo nên một mạng thông tin báo chí điện tử sôi động có sức thu hút hàng triệu lượt truy cập hàng ngày. Đội ngũ những người làm báo phát triển nhanh chóng. Hoạt động của báo chí trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong quá trình hội nhập quốc tế và cơ chế thị trường, trong thời đại bùng nổ thông tin đang phát triển không ngừng. Đứng trước những yêu cầu mới, báo chí cách mạng Việt Nam luôn kiên định mục tiêu lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, thực hiện tốt chức năng báo chí là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, tổ chức xã hội và là diễn đàn của nhân dân.

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, 97 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam đã phát triển vượt bậc với 816 cơ quan báo chí, tạp chí và các ấn phẩm điện tử; 72 đài phát thanh, truyền hình; 17.200 nhà báo và 27.000 hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.

Trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển, báo chí luôn tiên phong; chủ động, tích cực tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trên mọi lĩnh vực đời sống chính trị; kinh tế, an sinh xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại; củng cố và nâng cao niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Báo chí đã đi sâu vào thực tiễn đời sống, phát hiện, giới thiệu, cổ vũ các mô hình kinh tế mới, nhân tố mới, người tốt, việc tốt. Báo chí đã thể hiện rõ quan điểm bảo vệ và phát huy bản sắc, truyền thống văn hóa dân tộc, tuyên truyền cổ vũ toàn dân phát huy có chọn lọc nền văn hóa tiên tiến của các nước trên thế giới, góp phần nâng cao dân trí, ngăn chặn văn hóa xấu len lỏi vào Việt Nam. Báo chí đã tổ chức khơi dậy và biến nhiều hoạt động xã hội từ thiện trở thành phong trào của toàn xã hội. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, báo chí vừa là bộ phận cấu thành của văn hóa vừa là phương tiện xây dựng, truyền bá và thực thi văn hóa, luôn là vũ khí sắc bén có vai trò xung kích trong công tác tư tưởng. Bác Hồ đã “Việt Nam hóa” vai trò của báo chí cách mạng Việt Nam và cụ thể hóa yêu cầu để báo chí làm tròn nhiệm vụ tuyên truyền, tổ chức, hướng dẫn nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
 

Tự hào 97 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, kính chúc đội ngũ những người làm báo, làm việc trong ngành truyền thông sẽ tiếp tục phát huy trách nhiệm, tâm sáng, bút sắc, say mê nghề nghiệp, có nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc phục vụ đắc lực cho sự nghiệp đổi mới, xứng đáng là những chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng của Đảng, của Nhà nước ta.
 
Trịnh Hường (Tổng hợp)