Kỷ niệm 93 năm (28/7/1929 – 28/7/2022) Ngày Thành lập Công đoàn Việt Nam

Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân, đội ngũ trí thức và những người lao động tự nguyện lập ra. Công đoàn Việt Nam được thành lập nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết lực lượng, xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh về mọi mặt, đại diện và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, phấn đấu xây dựng nước Việt Nam độc lập, thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội. Công đoàn Việt Nam là thành viên của hệ thống chính trị và là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là trung tâm tập hợp, đoàn kết, giáo dục, rèn luyện, xây dựng đội ngũ giai cấp công nhân, lao động.
 

Ngày 28/7/1929, Hội nghị đại biểu Công hội Đỏ Bắc Kỳ lần thứ nhất họp tại trụ sở của Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ số 15 Hàng Nón, Hà Nội đã thông qua chương trình, điều lệ và phương hướng hoạt động của Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ và bầu ra Ban Chấp hành lâm thời do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh phụ trách.

Đại hội quyết định xuất bản Báo Lao động làm cơ quan thông tin, tuyên truyền và tạp chí “Công hội Đỏ” làm cơ quan lý luận truyền bá quan điểm, chủ trương của Công hội Đỏ trong giai cấp công nhân. Năm 1983, Đại hội V Công đoàn Việt Nam quyết định lấy ngày 28/7/1929 làm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam. Từ khi thành lập đến nay, Công đoàn Việt Nam đã từng trải qua khá nhiều lần thay đổi tên tổ chức.

Với mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo xu hướng thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giai cấp công nhân Việt Nam có nhiều biến đổi về cơ cấu số lượng và chất lượng. Nhiệm vụ của Công đoàn Việt Nam chính là xây dựng, thúc đẩy giai cấp công nhân trở thành “Ngọn cờ đầu” trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là lực lượng chủ lực quyết định sự phát triển của kinh tế, xã hội của đất nước. Công đoàn Việt Nam là đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng cho đoàn viên và người lao động; chăm lo lợi ích cho đoàn viên và người lao động. Song song với đó, Công đoàn cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền giáo dục góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam vững mạnh, xây dựng tổ chức Công đoàn Việt Nam vững mạnh, tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền nhân dân, tổ chức các hoạt động tài chính, đối ngoại.

Để kỷ niệm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, trên khắp cả nước có rất nhiều hoạt động, phong trào thi đua… được tổ chức. Hòa chung trong không khí đó, các cấp Công đoàn tỉnh Nghệ An cũng phát động nhiều phong trào thi đua chào mừng kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam. Nhìn chung, Công đoàn Nghệ An đã tiếp tục cụ thể hóa chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị, khẩn trương triển khai các công việc chuẩn bị Đại hội Công đoàn các cấp và Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, một số chỉ tiêu năm đạt cao, tiếp tục củng cố, nâng cao vị thế Công đoàn Nghệ An. Trên cơ sở các nhiệm vụ thường xuyên năm 2022 đã được đề ra từ đầu năm, các chỉ tiêu được giao năm 2022, Công đoàn Nghệ An đã chỉ ra những nội dung trọng tâm trong 6 tháng cuối năm, tiếp tục tập trung triển khai chủ đề công tác năm 2022 “Chăm lo việc làm, đời sống cho người lao động; phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam”.

Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, mỗi chúng ta có dịp ôn lại truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân, tổ chức công đoàn Việt Nam và các Công đoàn cơ sở qua các thời kỳ Cách mạng. Từ truyền thống đó nhắc nhở mỗi người tự vươn lên phát huy vai trò làm chủ, ý chí tự lực, tự cường, hăng hái thi đua lao động sản xuất, công tác, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng, Nghị quyết đại hội Công đoàn các cấp. Phát huy truyền thống 93 năm xây dựng và trưởng thành, đoàn viên CNVCLĐ tiếp tục đoàn kết, thống nhất ý chí, năng động sáng tạo, phấn đấu vươn lên, góp phần xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh.
 
Trịnh Hường (Tổng hợp)