Lịch sử cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng có rất nhiều sự kiện mang đậm dấu ấn lịch sử, chứa đựng những bài học kinh nghiệm có giá trị lý luận và thực tiễn vô cùng quý báu cho Đảng và nhân dân ta. Khởi nghĩa Nam Kỳ ngày 23/11/1940 là một trong những sự kiện như vậy, cuộc khởi nghĩa đã để lại dấu ấn không thể phai mờ của miền Nam “Thành đồng Tổ quốc”.

Chỉ trong một thời gian ngắn kể từ khi Thường vụ Xứ ủy Nam Kỳ ra Đề cương về cách mạng Nam Kỳ (tháng 3/1940), công tác chuẩn bị khởi nghĩa được triển khai rất khẩn trương, các tổ chức phản đế xuất hiện nhiều nơi, nhất là ở vùng nông thôn.

Trong thời gian này, Xứ ủy Nam Kỳ họp nhiều lần, bàn về kế hoạch khởi nghĩa. Trước tinh thần đấu tranh của quần chúng, ảnh hưởng của không khí Cách mạng khởi nghĩa Bắc Sơn, đặc biệt là tinh thần phản chiến của binh lính Việt Nam trong quân đội Pháp, nhất là số binh lính đang bị tập trung ở Sài Gòn để chuẩn bị sang chiến trường Pháp – Thái, Xứ ủy Nam Kỳ quyết định khởi nghĩa vào đêm 22/11/1940.
 
Tinh thần Khởi nghĩa Nam kỳ bất diệt. Ảnh: Tư liệu

Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ diễn ra theo đúng kế hoạch vào đêm 22 rạng sáng 23/11/1940. Khởi nghĩa nổ ra ở hầu khắp các tỉnh từ miền Đông đến miền Tây Nam Bộ, ở Biên Hòa, Gia Định, Chợ Lớn, Tân An, Bến Tre, Trà Vinh, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Rạch Giá, đặc biệt quyết liệt ở Hóc Môn (Bà Điểm, Gia Định), Cai Lậy (Mỹ Tho), Vũng Liêm (Vĩnh Long). Cả vùng nông thôn rung chuyển trước sức mạnh tiến công của quần chúng cách mạng. Nhiều đồn bốt, công sở, đường giao thông…của địch bị phá. Tại một số xã, quận, chính quyền địch hoang mang, tan rã, chính quyền Cách mạng được thành lập tịch thu ruộng đất của Địa chủ và phản động chia cho dân cày, trừng trị bọn phản cách mạng…Cờ đỏ Sao vàng lần đầu tiên xuất hiện trong nhiều cuộc biểu tình và những nơi đã thành lập chính quyền cách mạng.


Ngay từ khi được tin Nam Kỳ khởi nghĩa, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra thông báo khẩn, chỉ thị cho các địa phương “chia lửa” với Nam Kỳ. Từ việc rải truyền đơn, bãi khóa, bãi thị đến việc phát động du kích, nếu có điều kiện phá đường, cầu cống, ngăn quân thù đàn áp. Nhưng Thực dân Pháp khủng bố khốc liệt, càn quét các vùng khởi nghĩa, cho máy bay dội bom xuống làng mạc, thôn xóm. Tính từ ngày 22/11 đến ngày 31/12/1940, thực dân Pháp gây ra hơn 5000 vụ bắt bớ, hàng ngàn người bị xử tử, tù đày, tra tấn vô cùng tàn bạo.

Do thời cơ chưa xuất hiện, khởi nghĩa Nam Kỳ đã thất bại. Song, cuộc khởi nghĩa biểu lộ lòng căm thù sâu sắc của nhân dân với Đế quốc, tinh thần anh dũng quật khởi của quần chúng cách mạng. Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ cùng với cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn “Là những tiếng súng báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc, là bước đầu đấu tranh bằng vũ lực của các dân tộc Đông Dương”.

Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ mang tính chất một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, tính nhân dân rộng rãi và sâu sắc. Đó là minh chứng sinh động cho chủ trương đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu của Đảng với phương pháp đấu tranh vũ lực là hoàn toàn đúng đắn và sáng tạo. Đồng thời, khởi nghĩa Nam Kỳ cũng là cơ sở thực tiễn để Đảng ta hoàn thiện con đường chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Từ kinh nghiệm các cuộc khởi nghĩa ở Bắc Sơn, Nam kỳ, binh biến Đô Lương, Đảng đã có những bước đi cẩn trọng, chu đáo trong đánh giá, xác định thời cơ, chuẩn bị lực lượng…đi tới giải phóng toàn dân tộc.
 
Nhân dân Nam bộ vùng lên đấu tranh trong cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ. Tranh vẽ: tư liệu

Với cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, từ trong quá trình chuẩn bị và diễn ra, lần đầu thiết chế “Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” được đề cập trong truyền đơn rải ở thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn và tiêu ngữ “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quốc” được viết trên các băng rôn treo trước trụ sở các ủy ban cách mạng ở Long Hưng, Vĩnh Kim (Mỹ Tho). Lá Cờ đỏ Sao vàng năm cánh xuất hiện trong khởi nghĩa Nam Kỳ đã trở thành biểu tượng của khối đại đoàn kết toàn dân, biểu tượng của tinh thần và ý chí đấu tranh cách mạng của Nhân dân. Cờ đỏ Sao vàng năm cánh sau đó đã được Đảng và Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chọn làm biểu tượng của Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh và đến ngày 9/11/1946 được ghi chính thức trong Hiến pháp, thông qua tại Kỳ họp Quốc hội thứ hai(Khóa I).


Tầm vóc và ý nghĩa lịch sử của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ đã đi cùng dân tộc ta trong suốt hai cuộc trường chinh chống Pháp và chống Mỹ, đặc biệt là nhân dân Nam Bộ “Thành đồng Tổ quốc” và sẽ tiếp tục đồng hành cùng đất nước trên con đường xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
 
Trịnh Hường (Tổng hợp)