Kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2021) và 32 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 – 22/12/2021)

Quân đội nhân dân Việt Nam là lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, được Đảng cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, thành lập, giáo dục và rèn luyện. Đã 77 năm qua của chặng đường lịch sử, trải qua quá trình xây dựng, phát triển, Quân đội nhân dân Việt Nam đã kế thừa và phát huy truyền thống cũng như kinh nghiệm đấu tranh của dân tộc, vừa chiến đấu vừa kiến thiết, ngày càng phát triển và không ngừng trưởng thành cho đến ngày hôm nay.

Tên gọi “Quân đội nhân dân” là do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt với ý nghĩa “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ”. Tháng 12/1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh ra chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Chỉ thị nhấn mạnh: “Tên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân nghĩa là chính trị quan trọng hơn quân sự, nó là đội tuyên truyền… đồng thời nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc…”.

Ngày 22/12/1944, tại khu rừng thuộc huyện Nguyên Bình (Cao Bằng), Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân chính thức được thành lập, gồm 3 tiểu đội với 34 chiến sĩ được lựa chọn từ những chiến sĩ Cao – Bắc – Lạng, do đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy. Đây là đơn vị chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng và là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.
 
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng thuộc huyện Nguyên Bình (Cao Bằng), Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân chính thức được thành lập. Ảnh: Tư liệu

Lịch sử 77 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam khẳng định: Mối quan hệ đoàn kết gắn bó quân dân là nguồn sức mạnh vô địch của quân đội, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Quân đội ta có sức mạnh vô địch, vì nó là một Quân đội nhân dân do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục”. Để phát huy nguồn sức mạnh đó, ngày 17/10/1989, Ban Bí thư Trung ương Đảng, khóa VI đã ra Chỉ thị số 381-CT/TW, lấy ngày 22/12 - Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam là Ngày hội Quốc phòng toàn dân, nhằm phát huy truyền thống yêu nước, biểu dương sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Từ 34 chiến sĩ, được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện, được nhân dân nuôi dưỡng, ủng hộ và giúp đỡ, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân – tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam đã phát triển không ngừng, chưa đầy một năm sau khi thành lập đã cùng toàn dân làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 vĩ đại, giành độc lập dân tộc.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, trên cơ sở đường lối kháng chiến “toàn dân, toàn diện, dựa vào sức mình là chính”, Quân đội nhân dân được sự ủng hộ, giúp đỡ, sát cánh chiến đấu, phục vụ chiến đấu của nhân dân, nên càng đánh càng mạnh, giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, hàng chục vạn dân công đã xẻ núi, san đồi, bảo đảm giao thông, đồng thời, tiến hành vận chuyển khối lượng lớn lương thực, thực phẩm, vũ khí cho chiến dịch bằng xe đạp thồ, mảng nứa, xe thô sơ, ngựa thồ… Theo số lượng tổng kết, chỉ trong thời gian ngắn nhân dân ta đã đóng góp và cung cấp được 23.126 tấn gạo, 922 tấn thịt, 800 tấn rau, 226 tấn muối, 917 tấn thực phẩm khác…; có hơn 261.000 lượt dân công với 12 triệu ngày công phục vụ chiến dịch.

Được sự giúp đỡ tận tình, hiệu quả của nhân dân, cán bộ, chiến sĩ trên Mặt trận Điện Biên Phủ đã thể hiện rõ bản chất, truyền thống, vượt mọi khó khăn, gian khổ, người trước ngã xuống, người sau xông lên “Vì nhân dân quên mình”, giành giật với địch từng mét chiến hào, từng ngọn đồi, đánh thắng từng trận, tiến tới tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tư tưởng “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” của Chủ tịch Hồ Chí Minh được vận dụng một cách sáng tạo, với nhiều hình thức phong phú, phù hợp với điều kiện đất nước tạm thời bị chia làm hai miền. Ở miền Bắc, đông đảo các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, chi viện cho chiến trường miền Nam với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Thanh niên ba sẵn sàng”, “phụ nữ ba đảm đang”…Trên chiến trường miền Nam, mặc dù chính quyền tay sai và đế quốc Mỹ dùng mọi thủ đoạn chia rẽ giữa nhân dân với bộ đội, du kích, như: Dồn dân lập ấp chiến lược, đàn áp phong trào cách mạng…nhưng mối quan hệ đoàn kết quân dân vẫn không ngừng được củng cố, ngày càng gắn bó. Hàng nghìn hàng vạn những người mẹ, người chị không quản ngại gian khổ, hiểm nguy, thậm chí có thể hy sinh tính mạng để nuôi dấu bộ đội, làm giao liên, y tá… Đó là những hình ảnh sáng đẹp về tình cảm quân dân. Trong lòng nhân dân, được nhân dân che chở, giúp đỡ, nuôi dưỡng, bộ đội ta luôn phát huy truyền thống “Trung với nước, hiếu với dân”, chiến đấu dũng cảm, ngoan cường với ý chí quyết chiến, quyết thắng, bảo vệ nhân dân trong từng trận chống càn, đánh bại các chiến dịch quy mô lớn của địch, giữ vững vùng giải phóng, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975.

Trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại chống xâm lược, giành độc lập, mối quan hệ đoàn kết quân dân thực sự là nguồn sức mạnh vô địch của Quân đội nhân dân Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, được nhân dân nuôi dưỡng đùm bọc, sát cánh chiến đấu, Quân đội nhân dân luôn thể hiện rõ vai trò là lực lượng nòng cốt trong đấu tranh vũ trang cách mạng, chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Với khẩu hiệu của Quân đội nhân dân Việt Nam: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội; nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Lời hiệu triệu ấy của khẩu hiệu ấy đã cổ vũ cho các phong trào đấu tranh của cách mạng Việt Nam, giành những chiến thắng vang dội, đưa dân tộc Việt Nam giành thắng lợi hoàn toàn, thống nhất đất nước.

Trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Quân đội nhân dân vẫn luôn là lực lượng chính trị trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, được nhân dân thương yêu, mến phục. Cùng với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, Quân đội nhân dân luôn hoàn thành tốt chức năng của “đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất”. Hình ảnh cán bộ, chiến sĩ quân đội có mặt ở những nơi nguy hiểm nhất, dầm mình trong mưa bão để cứu giúp nhân dân, ứng phó với thiên tai, bão lũ, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân; các chiến sĩ bộ đội hóa học không quản ngại hiểm nguy trong khu vực ô nhiễm để xử lý sự cố môi trường… làm ngời sáng thêm bản chất, truyền thống tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ - Bộ đội của dân, được nhân dân tin yêu, quý mến. Các đơn vị quân đội rất tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới; tổ chức tốt các đợt hành quân dã ngoại kết hợp làm công tác dân vận, tuyên truyền, vận động nhân dân đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ quan hệ đoàn kết gắn bó quân dân của các thế lực thù địch.
 
Ảnh tư liệu Quân đội nhân dân Việt Nam

Kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 32 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân là dịp để chúng ta nhìn lại chặng đường đấu tranh giải phóng dân tộc và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc của quân và dân ta. Những chiến công oanh liệt mà Quân đội nhân dân Việt Nam giành được là biểu tượng sáng ngời về sức mạnh vô địch của mối quan hệ đoàn kết quân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đó cũng là bài học kinh nghiệm sâu sắc cần được phát huy trong sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
 
Trịnh Hường (Tổng hợp)