Trong tiến trình lịch sử, Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 là mốc son chói lọi, đánh dấu thất bại hoàn toàn của thực dân Pháp ở Việt Nam, mở ra thời kỳ phát triển mới của Thủ đô và đất nước. Theo Hiệp định Giơnevơ, Hà nội nằm trong khu vực tập kết 80 ngày của địch. Biết trước âm mưu của Pháp lợi dụng thời gian này để phá hoại các cơ sở kinh tế, văn hóa của ta, lôi kéo người di cư vào Nam, làm cho Hà Nội trong cảnh trống rỗng, mọi công việc bị đình trệ, chúng ta đã chủ động có kế hoạch đề phòng, đấu tranh, đồng thời chuẩn bị lực lượng về mọi mặt để tiếp quản Thủ đô một cách trọn vẹn.
Sau Cách mạng tháng Tám, Hà Nội đã cùng với cả nước kiên cường đấu tranh bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ. Tháng 10/1946, giặc Pháp nổ súng chiếm Hải Phòng, tấn công Lạng Sơn, khiêu khích ở Hà Nội. Đáp ứng lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến ngày 19/12/1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng muốn cướp nước ta một lần nữa. Không! Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Nhân dân Hà Nội đã đồng loạt đứng lên chống giặc, giành thế chủ động trong cuộc kháng chiến.
Sáng 10/10/1954, các cánh quân của Quân đội nhân dân Việt Nam từ các cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô được giải phóng trong rừng cờ hoa đón chào của 20 vạn người dân Hà Nội. Ảnh: Tư liệu
Các chiến sĩ Bộ binh của Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn 308 trên đường phố Thủ đô, sáng 10/10/1954. Ảnh: Tư liệu
Theo Nghị quyết ngày 17/9/1954 của Hội đồng Chính phủ, Ủy ban Quân chính Thành phố Hà Nội được thành lập do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Tư lệnh sư đoàn Quân tiên phong làm Chủ tịch và bác sĩ Trần Duy Hưng làm Phó Chủ tịch. Ủy ban Quân chính có nhiệm vụ tiếp nhận và quản lý thành phố. Bộ chỉ huy đã ra lệnh cho các đơn vị vào tiếp quản Hà Nội phải triệt để chấp hành các chính sách và kỷ luật của Chính phủ, nâng cao cảnh giác, đập tan mọi âm mưu khiêu khích của bọn phá hoại. Sư đoàn Quân tiên phong đã được Trung ương Đảng và Chính phủ giao nhiệm vụ tiếp quản Hà Nội. Ngày 09/10, quân đội ta theo nhiều đường từ ngoại thành tiến vào nội thành qua năm cửa ô tiếp nhận nhà Ga, phủ Toàn quyền, khu Đồn Thủy, khu Bờ Hồ, phủ Thống Sứ…16h cùng ngày, quân đội Liên hiệp Pháp rời khỏi thành phố, rút sang phía bắc cầu Long Biên. 16h30, quân đội ta hoàn toàn kiểm soát thành phố Hà Nội trong nguyên vẹn và an toàn. Cổng chào, khẩu hiệu dựng lên khắp các đường phố, Cờ đỏ Sao vàng rực rỡ trên khắp các tầng nhà.
Các đơn vị cơ giới của Đại đoàn 308 tiến về tiếp quản Thủ đô, sáng 10/10/1954. Ảnh: Tư liệu
Cánh quân phía nam, thuộc hai Trung đoàn 88 và 36 của Đại đoàn 308 tiến qua phố Bạch Mai, phố Huế… vào tiếp quản Thủ đô, sáng 10/10/1954. Ảnh: Tư liệu
Sáng ngày 10/10/1954, Đại đoàn 308, dẫn đầu là Trung đoàn Thủ đô tiến vào nội thành Hà Nội. Từ sáng sớm, nhân dân Thủ đô đã tưng bừng mang theo cờ, hoa, ảnh Bác Hồ ra khắp các ngả đường chào đón bộ đội hành quân vào tiếp quản Thủ đô. Đúng 08h sáng, cánh quân phía Tây xuất phát từ Quần Ngựa (nay là Cung Thể thao Hà Nội, phố Quần Ngựa). Đó là những chiến sĩ Bộ binh của Trung đoàn Thủ đô, mang trên ngực huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ”, trở về với thành phố quê hương – nơi sinh ra Trung đoàn. Đoàn đi qua Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Cửa Nam, Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Ngang…đến 09h 45 phút tiến vào Cửa Đông. Khoảng 08h 45 phút, cánh quân phía Nam thuộc hai Trung đoàn 88 và 36 xuất phát từ Việt Nam Học xá (nay thuộc Trường Đại học Bách khoa) đi qua Bạch Mai, phố Huế, vòng quanh Hồ Gươm rồi vòng lại vào đóng ở khu vực Đồn Thủy (nay là Bệnh viện Quân y 108) và khu Đấu Xảo (nay là Cung Văn hóa Hữu Nghị). Riêng Đoàn Chỉ huy tiếp quản, gồm: cơ giới, pháo binh do Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ và Phó Chủ tịch Trần Duy Hưng dẫn đầu, 9h30phút từ sân bay Bạch Mai đến Ngã tư Vọng sang Ngã tư Trung Hiền rồi theo đường Bạch Mai lên phố Huế, Hàng Bài, Đồng Xuân, vào Cửa Bắc. Vào lúc 15h, còi Nhà hát Lớn thành phố nối một hồi dài, mấy chục vạn nhân dân Hà Nội và các đơn vị quân đội trang nghiêm dự Lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức tại Sân vận động Cột Cờ. Sau Lễ chào cờ, Thiếu tướng Vương Thừa Vũ trân trọng đọc Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày Giải phóng.
Các đơn vị cơ giới của Đại đoàn 308 tiến vào Thủ đô trên đường Kim Mã, sáng 10/10/1954. Ảnh: Tư liệu
Bộ đội ta hùng dũng tiến qua cầu Long Biên vào tiếp quản Hà Nội, cùng lúc quân Pháp rút khỏi Hà Nội qua cây cầu này phía chiều bên kia, chiều 9/10/1954. Ảnh: Tư liệu
Đoàn xe chở các chiến sĩ Đại đoàn 308 tiến qua phố Hàng Đào, sáng 10/10/1954 trong niềm hân hoan chào đón của hàng vạn người dân. Ảnh: Tư liệu
Các nữ chiến sĩ Quân y vẫy chào nhân dân trong ngày về Giải phóng Thủ đô. Ảnh: Tư liệu
Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Tư lệnh Đại đoàn 308, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Thành phố nhận hoa chúc mừng từ các nữ sinh trường Trưng Vương bên hồ Hoàn Kiếm trong ngày Giải phóng Thủ đô. Ảnh: Tư liệu
Các đơn vị bộ binh của Đại đoàn 308 tiến qua phố Hàng Gai vào Thủ đô, sáng 10/10/1954. Ảnh: Tư liệu
Trên chặng đường hành quân lịch sử từ ngày Toàn quốc kháng chiến đến Ngày trở về giải phóng Thủ đô, vượt qua biết bao gian khổ, hi sinh, quân và dân Hà Nội đã lập nên mốc son chói lọi làm nức lòng quân và dân cả nước, để lại những bài học quý giá cho những chặng hành quân tiếp theo trên con đường Độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội, tiến tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.
Màn thực cảnh tái hiện lịch sử “Ngày về chiến thắng” đã mang tới những cảm xúc hùng tráng, đầy thiêng liêng về thời khắc lịch sử hào hùng của dân tộc, khi Thủ đô Hà Nội chính thức được giải phóng - ngày 10.10.1954. Ảnh: Tư liệu
Chương trình "Ngày hội văn hóa vì hòa bình" do Thành ủy, HĐND, UBND
thành phố Hà Nội chỉ đạo, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức tại khu vực Tượng đài vua Lý Thái Tổ và các sân khấu phụ tại Vườn hoa đền Bà Kiệu, Quảng trường Đông Kinh - Nghĩa Thục... Ảnh: Tư liệu
70 năm đã trôi qua nhưng khí thế hào hùng của ngày Giải phóng Thủ đô đã đi vào lịch sử, là dấu son chói lọi trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, Hà Nội từ một thành phố bị chiến tranh tàn phá, đến nay, Thủ đô Hà Nội đang đổi thay từng ngày, để xứng đáng thành trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học và giáo dục, có vị trí quan trọng của cả nước. Chính quyền và người dân Hà Nội đang ra sức xây dựng Thủ đô ngày càng phát triển, hiện đại, xứng đáng là Thủ đô hòa bình, Thủ đô “Ngàn năm văn hiến”.
Trịnh Hường (Tổng hợp)