Kỷ niệm 67 năm Ngày Thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (10/9/1955 – 10/9/2022)! Nơi hội tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta một di sản tinh thần vô giá, một hệ thống tư tưởng về nhiều mặt. Trong đó tư tưởng về “Đại đoàn kết” toàn dân là tư tưởng nổi bật, có giá trị trường tồn đối với quá trình phát triển của dân tộc ta và của toàn nhân loại. Đấy là tư tưởng xuyên suốt và nhất quán trong tư duy lý luận và trong hoạt động thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đã trở thành chiến lược Cách mạng của Đảng ta, gắn liền với những thắng lợi vẻ vang của dân tộc, trong đó có Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tiền thân là Hội Phản đế đồng minh, thành lập ngày 18/11/1930. Hội đã tuyên truyền vận động nhân dân dấy lên cao trào phản đế mạnh mẽ trong cả nước, với đỉnh cao là phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, đánh dấu sự trưởng thành về nhận thức và chỉ đạo thực tiễn của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình tổ chức và xây dựng một mặt trận dân tộc thống nhất.
 
Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất toàn quốc diễn ra từ ngày 05 - 10/9/1955 tại Hà Nội, quyết định Thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, kế tục sự nghiệp của Mặt trận Liên Việt. Đại hội bầu Chủ tịch Hồ Chí Minh là Chủ tịch Danh dự, đồng chí Tôn Đức Thắng làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương. Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại phiên Khai mạc Đại hội, ngày 05/9/1955. Ảnh: Tư liệu

Trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền (1930 - 1945), Đảng đã lần lượt thành lập các mặt trận nhằm đáp ứng cho nhu cầu cách mạng. Trong giai đoạn đấu tranh đòi dân chủ 1936 - 1939 lần lượt các mặt trận ra đời, đó là Mặt trận Thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương (sau đổi tên thành Mặt trận thống nhất dân chủ Đông Dương, gọi tắt là Mặt trận dân chủ Đông Dương), Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế. Bước sang giai đoạn đấu tranh chuẩn bị giành chính quyền là sự thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập Đồng Minh - gọi tắt là Mặt trận Việt Minh (19/5/1941). Nhờ chính sách Mặt trận đúng đắn, phong trào lan rộng, cơ sở Mặt trận phát triển rộng rãi, khi thời cơ đến, Việt Minh đã ra lệnh Tổng khởi nghĩa và thành công giành chính quyền về tay nhân dân.

Trong giai đoạn chống Thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta, ngày 29/5/1946, Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (Hội Liên Việt) được thành lập. Thực hiện lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt đã ra sức tuyên truyền vận động nhân dân tham gia kháng chiến. Ngày 03/3/1951, Đại hội toàn quốc Mặt trận thống nhất Việt Minh - Liên Việt lấy tên là Mặt trận Liên hiệp quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Mặt trận Liên Việt) thông qua Tuyên ngôn, Chính Cương của mặt trận, nhằm “Tiêu diệt Thực dân Pháp xâm lược, đánh bại bọn can thiệp Mỹ…”. Qua 9 năm kháng chiến, Mặt trận Liên Việt trở thành “một trong những trụ cột của Nhà nước dân chủ nhân dân, là sức mạnh vô biên của cuộc kháng chiến, kiến quốc…”.

Sau năm 1954, Đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai phá hoại Hiệp định Geneve chiếm đóng miền Nam, chia cắt lâu dài nước ta. Cách mạng Việt Nam lúc này có hai nhiệm vụ chiến lược là tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà. Trong bối cảnh đó, ngày 10/9/1955, Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất họp tại Hà Nội đã quyết định thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thông qua Cương lĩnh, nhằm đoàn kết mọi lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình trong cả nước để đấu tranh chống Đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

Tiếp đó, ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời với bản Tuyên ngôn và Chương trình hành động 10 điểm, nội dung cơ bản là đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân, với mục tiêu đấu tranh “Phải hoà bình! Phải độc lập! Phải dân chủ! Phải cơm no, áo ấm! Phải hoà bình! Thống nhất tổ quốc!” nhằm đánh đổ chế độ độc tài tay sai của đế quốc Mỹ.

Ngày 20/4/1968, trên cơ sở thắng lợi và khí thế của Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968, Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hoà bình Việt Nam ra đời, nhằm đoàn kết, tranh thủ thêm tầng lớp trí thức, tư sản dân tộc tiến bộ ở thành thị, mở rộng thêm lực lượng trên mặt trận chống Mỹ và các thế lực tay sai.

Đất nước hoàn toàn thống nhất, thể theo nguyện vọng của nhân dân, các lãnh đạo của 3 tổ chức gồm: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hòa bình Việt Nam, đã họp từ ngày 31/01 đến 04/02/1977 tại Thành phố Hồ Chí Minh, thống nhất 3 tổ chức này thành một tổ chức chính trị duy nhất lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Trong quá trình xây dựng và phát triển, với từng giai đoạn lịch sử cụ thể, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn làm tròn vai trò của mình, góp phần động viên, khích lệ và dẫn dắt nhân dân ta đấu tranh trong công cuộc giành độc lập cho dân tộc. Trong bối cảnh hiện tại, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vẫn là chỗ dựa vững chắc để đất nước tiến lên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hòa nhập với xu thế phát triển của thế giới.

Cùng cả nước bước vào công cuộc đổi mới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân; tích cực vận động nhân dân phát huy tinh thần chủ động sáng tạo, khắc phục khó khăn, thi đua lao động sản xuất; tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền. Qua đó, tạo nên sức mạnh to lớn, thúc đẩy sự phát triển của đất nước.

Nhiều phong trào thi đua, các cuộc vận động do Mặt trận phát động, triển khai, như: phong trào xoá đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa; Ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền; xây dựng và sửa chữa Nhà Đại đoàn kết; Tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa; Chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; ủng hộ, giúp đỡ nhân dân các vùng thiên tai lũ lụt... đã được nhân dân tích cực hưởng ứng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Đặc biệt, hai cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư" (phát động từ năm 1995, từ năm 2015 đổi tên là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”) và cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” (phát động từ năm 2000) do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, đã được nhân rộng ra cả nước, có ý nghĩa chính trị, kinh tế, xã hội to lớn, góp phần cải thiện đáng kể đời sống vật chất, tinh thần của nhiều hộ gia đình và người dân.

Bên cạnh đó, cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” là một trong những cuộc vận động lớn trong thời kỳ đổi mới công tác Mặt trận, có đóng góp to lớn và trở thành điểm sáng trong phong trào thi đua yêu nước nói chung và có tác dụng rõ rệt vào việc nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn mới. Từ khi phát động đến nay, Quỹ "Vì người nghèo" từ cấp địa phương đến trung ương đã thu được hàng nghìn tỷ đồng; xây dựng mới và sửa chữa hàng trăm nghìn nhà Đại đoàn kết... đem lại niềm vui cho hàng triệu người nghèo và tiếp tục khẳng định tính xã hội nhân văn sâu sắc của cuộc vận động, làm phong phú, sâu sắc thêm truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái của dân tộc.

Với phương châm “chủ động, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả”, hoạt động đối ngoại nhân dân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày càng được tăng cường và đổi mới, góp phần hiện thực hóa chủ trương, đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác cùng phát triển của Đảng và Nhà nước, tạo thuận lợi cho quá trình đổi mới toàn diện đất nước, nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã cùng các cấp, các ngành tiếp tục phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc cùng chung sức, đồng lòng tham gia phòng, chống đại dịch COVID-19. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động toàn dân tích cực phòng, chống đại dịch, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội, huy động được các nguồn lực lớn trong thời gian ngắn để thực hiện các biện pháp chống dịch một cách mạnh mẽ, hiệu quả.

Phát huy kết quả đạt được, trong thời gian tới, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Mặt trận Tổ quốc là tiếp tục xây dựng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, bảo đảm sự thống nhất cao về tư tưởng và hành động; phấn đấu thực hiện có kết quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hướng tới mục tiêu chung là giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh; nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
 
Trịnh Hường (Tổng hợp)