Lúc sinh thời, dù bận trăm công nghìn việc, nhưng tận sâu trong trái tim Người, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành tình cảm sâu nặng, thiết tha với quê hương Nghệ An.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến cả cuộc đời cho Cách mạng, tới lúc đi xa chỉ tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa. Năm 1906, Người theo cha rời Nghệ An vào Huế. Có lẽ chính bản thân Người cũng không nghĩ rằng lần tạm biệt quê hương này phải đến 51 năm sau mới trở lại. Ra đi tìm đường cứu nước, bôn ba hơn 30 năm ở nước ngoài, rồi trở về nước lãnh đạo nhân dân giành độc lập, người trai chí lớn của làng Sen nay đã trở thành vị Chủ tịch nước, bộn bề việc nước, nén cả tình riêng. Nhưng trong trái tim bao la của Người, chúng ta hiểu, vẫn có góc thẳm sâu dành cho gia đình, quê hương. Bởi như Bác đã từng nói: “Người kiên quyết cách mạng nhất lại là người đa tình, chí hiếu nhất”.
Bác Hồ về thăm quê lần thứ nhất. Ảnh: Tư liệu
Mãi đến ngày 14/6/1957, Bác mới có dịp trở lại thăm quê hương Nghệ An sau 51 năm xa cách, với bộ quần áo kaki, đôi dép cao su, Bác Hồ về quê ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn. Khi về quê, một vị lãnh đạo địa phương mời Bác vào Nhà khách để nghỉ. Bác cười hiền từ “Nhà khách là dành để tiếp khách, Bác là người nhà…”.
Nói rồi, Bác đi theo lối nhỏ về nhà của gia đình ngày xưa. Đến đầu cổng tre thấy một tấm bảng nhỏ “Nhà Bác Hồ”. Nhìn tấm bảng xong, Bác quay lại nhìn mọi người cười bảo: “Đây là nhà của Cụ Phó Bảng chứ có phải nhà Bác Hồ đâu”. Mọi người đáp: “Dạ, thưa bác, đúng ạ. Đây là ngôi nhà 5 gian mà làng Kim Liên xuất công quỹ xây dựng để mừng thân phụ Bác khi đậu Phó Bảng năm 1901”. Bác đứng lặng ngoài sân một hồi rồi bước vào nhà. Bác bước đến gian thờ cúng gia tiên. Nhìn lên bàn thờ mới được làm lại, Bác bùi ngùi: “Hồi xưa, nhà Bác nghèo, bàn thờ chỉ làm bằng tre, không có chân mà chỉ dùng hai thanh gỗ đóng gá vào hai bên cột để đỡ bàn thờ lên, liếp bằng nứa, trên trải chiếu mộc…”.
Rồi Bác đi ra nhìn quanh sân, vườn, Bác nói với mọi người: “Ngày trước, ở vườn có cây ổi đào, cây bưởi và hàng cau rất đẹp”. Thấy Bác nhìn vườn khoai trước nhà, một vị cán bộ có ý xin Bác cho trồng thay khoai bằng hoa cho đẹp. Bác liền cười bảo: “Hoa khoai vẫn đẹp…”. Ra phía sau nhà, một cụ già hàng xóm bước ra chào Bác và hỏi: “Bác còn nhớ tôi không?”. Bác lấy tay vỗ trán một lúc, nói: “Có phải Điền không?”. Ông Hoàng Điền chạy lại ôm lấy người bạn chăn trâu, thả diều thuở ấu thơ và khóc vì quá xúc động.
Sau đó, Bác ra nói chuyện với đồng bào, mở đầu bằng một câu thơ: “Quê hương nghĩa trọng tình cao, năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình” với giọng trầm ấm của người gốc xứ Nghệ. Bác Hồ bùi ngùi nhớ lại khi ra đi quê hương còn nô lệ, nay trở về rất đỗi vui mừng vì đất nước được tự do, đồng bào no ấm. Bác dặn dò: “Kim Liên phấn đấu thành xã kiểu mẫu, Bác sẽ về thăm”.
Bác Hồ về thăm lại ngôi nhà xưa ở làng Kiêm Liên. Ảnh: Tư liệu
Nhiều người dân xúc động không kìm được nước mắt trước tình cảm quê hương sâu đậm trong trái tim vị Lãnh tụ, dù xa nhà đã hơn 50 năm. Trước khi lên ô tô, Bác Hồ tặng 5 gói trà Ba Đình cho các cụ và mấy gói kẹo Hà Nội cho các cháu thiếu nhi trong làng.
Nghe tin Bác về thăm quê, không chỉ riêng người dân làng Sen quê nội, Hoàng Trù quê ngoại mà nhân dân huyện Nam Đàn nói riêng, tỉnh Nghệ An nói chung đều náo nức mong chờ. Gặp lại đồng bào quê hương, nét mặt Bác rất xúc động, Người bắt tay, vẫy chào bà con. Vẫn giữ cho mình giọng Nghệ nằng nặng, trầm ấm, vang vọng, Bác trải lòng với nhân dân quê nhà: “Người ta về thăm quê thì mừng mừng tủi tủi. Tôi về thăm quê thì chỉ thấy mừng mừng!”, “Là vì: bây giờ nước ta được độc lập tự do, nhân dân được sống cuộc sống hạnh phúc, ai cũng có cơm ăn áo mặc, các cháu được học hành”.
Trong ngôi nhà xưa ở làng Kim Liên, Bác Hồ xúc động bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm ngày còn thơ ấu. Ảnh: Tư liệu
Quang cảnh quê hương vẫn thế, không có nhiều thay đổi, vẫn cây bưởi trước nhà, cây mít, hàng cau phía sau, chiếc võng tuổi thơ, chiếc rương gỗ nhỏ, khung cửi của mẹ, chiếc phản gỗ và mấy pho sách của cha. Người ngắm lại ngôi nhà đã gắn bó một giai đoạn rất quan trọng trong cuộc đời. Ngôi nhà là kỷ vật chứng kiến quá trình lao động, học tập và trưởng thành từ năm mười một tuổi đến năm mười sáu tuổi của Bác, là nơi ghi dấu những cảm xúc đầu tiên về lòng yêu nước, về nhận thức xã hội và ghi dấu những hoạt động cứu nước bước đầu của Người.
Ở những nơi Bác đến thăm, Bác khen ngợi những thành tích mà nhân dân quê nhà đã đạt được và nhắc nhở đồng bào và cán bộ phải ra sức phát triển nông nghiệp, công nghiệp, thủ công nghiệp, các ngành nghề khác.
Chiều hôm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với hơn 3.000 đại biểu cán bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An. Phấn khởi trước sự họp mặt đông đủ các tầng lớp nhân dân, Bác đọc câu thơ:
“Chúng ta đoàn kết một nhà
Ấy là nghĩa trọng, ấy là tình sâu”.
Sau đó, Bác nói: “Tôi là một người con tỉnh nhà đã hơn 50 năm xa cách quê hương. Hôm nay là lần đầu trở về thăm tỉnh nhà, có thể nói là:
Quê hương nghĩa trọng tình cao
Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình!”.
Nói chuyện với Hội nghị cán bộ tỉnh Nghệ An, Người lưu ý, tỉnh nhà phải “cần, kiệm, liêm, chính”, thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm; phải đoàn kết chặt chẽ hơn nữa. Người nêu rõ: Tiền đồ của mỗi người, nhất là người cách mạng, là nằm trong tiền đồ của dân tộc, nằm trong tiền đồ của giai cấp, không thể tách riêng được. Nhiệm vụ chúng ta phải ra sức củng cố chính quyền nhân dân và củng cố những tổ chức của nhân dân ở các địa phương và quan tâm đến đời sống của nhân dân.
Bác Hồ tại làng Sen. Ảnh: Tư liệu
Người mong muốn Nghệ An chuyển biến tốt về mọi mặt, nhất là chính trị và kinh tế. Người khẳng định: “Tỉnh Nghệ An có truyền thống cách mạng. Vậy các cô, các chú có quyết tâm làm cho tỉnh Nghệ An thành một tỉnh gương mẫu không? Quyết tâm không? Làm được không? – Được! Rất tốt. Cuối cùng Bác nhờ các cô các chú về địa phương chuyển lời Bác hỏi thăm đảng viên, cán bộ và đồng bào địa phương”.
Ngày 8/12/1961, Bác Hồ còn về thăm lại quê hương Nghệ An một lần nữa. Tuy nhiên, ấn tượng về người con quê hương về thăm quê giản dị, mộc mạc, chân tình đã in đậm trong tâm trí người dân Nghệ An, người dân Nam Đàn lúc bấy giờ. Hình ảnh Bác Hồ về thăm quê trở thành một hình ảnh đẹp cho thế hệ trẻ ngày nay học tập và noi theo với bài học quý báu: “Học theo Bác từ những điều giản dị”.
Trịnh Hường (Tổng hợp)