Kỷ niệm 45 năm Ngày Thống nhất các Tổ chức Mặt trận, thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (04/02/1977 – 04/02/2022)

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta một di sản tinh thần vô giá, một hệ thống tư tưởng về nhiều mặt. Trong đó tư tưởng về “đại đoàn kết” toàn dân là tư tưởng nổi bật, có giá trị trường tồn đối với quá trình phát triển của dân tộc ta và của toàn nhân loại. Đấy là tư tưởng xuyên suốt và nhất quán trong tư duy lý luận và trong hoạt động thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đã trở thành chiến lược cách mạng của Đảng ta, gắn liền với những thắng lợi vẻ vang của dân tộc, trong đó có Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kết thúc thắng lợi bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đưa cả nước bước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc, đi lên CNXH. Để đáp ứng yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới, Bộ Chính trị quyết định hợp nhất 3 tổ chức mặt trận: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hoà bình Việt Nam thành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ I tổ chức (từ ngày 31 - 01 đến ngày 04 – 02 - 1977) tại thành phố Hồ Chí Minh là một sự kiện chính trị trọng đại, thể hiện tinh thần đoàn kết, thống nhất không thể lay chuyển của dân tộc Việt Nam; đánh dấu sự phát triển không ngừng của Mặt trận dân tộc thống nhất trong thời kỳ quá độ cả nước đi lên CNXH. Việc thành lập Mặt trận Tổ quốc là chủ trương, đường lối đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta, nhằm phát huy vai trò của tổ chức mặt trận trong phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tập hợp mọi tầng lớp nhân dân cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết của dân tộc Việt Nam. Ảnh: Tư liệu

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát huy vai trò của mình trong việc củng cố chính quyền, khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh. Kết thúc 30 năm chiến tranh, đất nước ta có hoà bình, độc lập, tự do, nhưng còn muôn vàn khó khăn: sản xuất manh mún; cơ sở vật chất kỹ thuật nghèo nàn, lạc hậu; các ngành công nghiệp then chốt còn thiếu và không đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất và bảo đảm đời sống nhân dân. Mặt khác, do mới ra khỏi chiến tranh, ở miền Nam, chính quyền các cấp đang trong quá trình củng cố, chưa đủ mạnh; sự đồng thuận chưa cao giữa các dân tộc, tôn giáo, nhất là những người đã từng làm việc cho chế độ cũ... Trước tình hình đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã kịp thời đổi mới tổ chức, đa dạng hoá phương thức hoạt động, đề ra chương trình hành động sát hợp, tích cực tham gia xây dựng, củng cố chính quyền nhân dân các cấp ở miền Nam; từng bước hoàn thiện chính quyền ở miền Bắc, đẩy mạnh vận động nhân dân phát huy vai trò “người chủ” đất nước, tham gia với tinh thần trách nhiệm cao trong cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội thống nhất trong cả nước. Thực hiện chủ trương hoà hợp dân tộc của Đảng, Mặt trận Tổ quốc còn chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng, nhất là chính sách đối với các đối tượng đang cải tạo, làm cho họ thấy rõ chính sách khoan hồng của Nhà nước, tích cực lao động sản xuất, xây dựng niềm tin với chế độ, nhanh chóng hoà nhập vào cộng đồng. Nhờ đó, Mặt trận Tổ quốc đã tập hợp được sức mạnh tổng hợp của quần chúng nhân dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, giữ vững an ninh chính trị, bảo vệ vững chắc độc lập và chủ quyền dân tộc, làm thất bại kế hoạch hậu chiến và chiến tranh phá hoại nhiều mặt của địch, tiêu diệt các tổ chức phản động chống phá chính quyền nhân dân, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng; thúc đẩy kinh tế - văn hoá - xã hội phát triển, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên đã chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, triển khai sâu rộng và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, thu hút đông đảo đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân phát huy tinh thần thi đua sáng tạo và huy động các nguồn lực trong xã hội, tham gia thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Mặt trận Tổ quốc đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức trong hệ thống chính trị tuyên truyền, vận động, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân, tạo sự thống nhất và đồng thuận cao trong xã hội; tích cực tham gia xây dựng pháp luật, góp ý đối với các dự thảo Văn kiện, tham gia chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng; kiến nghị với Đảng và Nhà nước nhiều nội dung quan trọng, góp phần hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; có nhiều cố gắng, nỗ lực đổi mới và đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân, đẩy mạnh thực hành dân chủ ở cơ sở, thực hiện giám sát và phản biện xã hội, tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh; góp sức to lớn vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc để đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay.

Nhìn lại chặng đường 45 năm hoạt động, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thực hiện nhiều chương trình hành động đi vào cuộc sống, mang lại những kỳ tích vĩ đại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; xứng đáng với truyền thống vẻ vang của mình. Tiếp tục sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đang tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động nhằm thực hiện thắng lợi mọi mục tiêu đề ra. Đồng thời, phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường; tăng cường đồng thuận xã hội, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, tạo thành sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; giữ vững độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
 
Trịnh Hường(Tổng hợp)