Sáng ngày 02/8/2024, Đoàn công tác của Ban Cán sự Đảng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội do đồng chí Lê Huy Nam – Vụ trưởng Vụ Giáo dục, Ban Tuyên giáo Trung ương làm Trưởng đoàn cùng đồng chí Phạm Vũ Quốc Bình – Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; đại biểu Bộ Giáo dục và đào tạo; đại biểu Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; đại biểu bộ, ngành Trung ương đã tiến hành khảo sát việc tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW, ngày 06/6/2014 của Ban Bí thư (Khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao” tại Trường Cao đẳng Việt – Đức Nghệ An. Tiếp và làm việc với Đoàn công tác có đồng chí Võ Văn Dũng - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; bà Hồ Thị Châu Loan – Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội; đại biểu ban, sở, ngành cấp tỉnh. Về phía Trường Cao đẳng Việt – Đức Nghệ An có ThS. Nguyễn Hữu Hằng – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng; ThS. Nguyễn Liêu – Phó Bí thư Đảng ủy, Trưởng phòng Khảo thí đảm bảo chất lượng; ThS. Cao Anh Tuấn – Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn trường; các đồng chí trong Đảng ủy, Ban Giám hiệu cùng trưởng các đơn vị phòng, khoa.
 
 
 
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Trịnh Hường

Theo báo cáo của Trường Cao đẳng Việt – Đức Nghệ An, từ năm 2014 đến năm 2017 Trường có tên là: Cao đẳng nghề Kỹ thuật Việt – Đức và từ năm 2017 đến nay Trường đổi tên thành Trường Cao đẳng Việt – Đức Nghệ An và Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị 37-CT/TW, Nhà trường đã xây dựng các chương trình đào tạo, đề án mở ngành, nghề trình các cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt, cấp phép đào tạo 06 ngành nghề trình độ Cao đẳng, 11 ngành nghề trình độ Trung cấp, các nghề trình độ Sơ cấp. Hàng năm, Trường Cao đẳng Việt – Đức Nghệ An tuyển sinh trình độ Trung cấp với chỉ tiêu gần 400 học sinh, trình độ Cao đẳng với chỉ tiêu gần 600 sinh viên. Chất lượng đào tạo của Nhà trường được đảm bảo cho học sinh, sinh viên bằng hệ thống giáo dục và đào tạo chất lượng cao. Nhà trường có đội ngũ giảng viên được đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn và tay nghề cao, được tham gia các lớp đào tạo kỹ năng nghề tại các nước phát triển như: Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaisia… Trong đó có nhiều giảng viên đã được tôn vinh là chuyên gia trong nước và chuẩn quốc tế về Kỹ năng nghề.

Bên cạnh đó, trong quá trình học, thời gian học lý thuyết chỉ chiếm 30%, học thực hành chiếm 70% với phòng học, trang thiết bị hiện đại, đầy đủ tiện nghi và có tính ứng dụng cao. Với phương châm dành các điều kiện tốt nhất cho công tác đào tạo, gắn kết quá trình đào tạo với các doanh nghiệp, đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp, theo nhu cầu của người học.
 
ThS. Nguyễn Hữu Hằng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng báo cáo và phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Trịnh Hường

Trong 10 năm thực hiện Chỉ thị 37-CT/TW, nhận thức của các cấp ủy, cán bộ, đảng viên, viên chức, người lao động và học sinh, sinh viên về đào tạo nhân lực có tay nghề cao luôn được đặt lên hàng đầu, là nhiệm vụ trọng tâm. Nhà trường đã tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh và đào tạo hàng năm, đảm bảo nghiêm túc và đúng quy chế. Ngành nghề đào tạo ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà và khu vực.

Phát biểu tại buổi khảo sát, ThS. Nguyễn Hữu Hằng – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng, đại diện cho lãnh đạo Nhà trường đề nghị: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp xem xét, bổ sung Nhà trường vào danh sách các Trường được lựa chọn, phê duyệt các ngành, nghề trọng điểm giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Quan tâm, tạo điều kiện, xem xét, phê duyệt cho Nhà trường thuộc diện được thụ hưởng các dự án Chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án khác. Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt công tác quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp, đào tạo ở các bộ, ngành, địa phương tinh gọn, tránh sự chồng chéo, phù hợp với nhu cầu nguồn nhân lực có tay nghề cao của các địa phương và cả nước. Có chính sách ràng buộc để gắn trách nhiệm của doanh nghiệp, tổ chức lao động trong quá trình đào tạo và tuyển dụng lao động; ban hành danh mục ngành nghề, công việc bắt buộc lao động phải qua đào tạo...
 
Đại biểu Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Trịnh Hường
 
Đồng chí Phạm Vũ Quốc Bình - Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Trịnh Hường
 
Đồng chí Lê Huy Nam - Vụ trưởng Vụ Giáo dục, Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu kết luận tại buổi làm việc. Ảnh: Trịnh Hường

Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn khảo sát của Trung ương đánh giá cao việc thực hiện Chỉ thị 37-CT/TW của Trường Cao đẳng Việt – Đức Nghệ An; đồng thời trao đổi, đề nghị Nhà trường làm rõ một số nội dung liên quan đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị tới các đơn vị trong Trường; việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về đào tạo nhân lực có tay nghề cao; công tác phối hợp giữa các cấp, ngành, các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị đào tạo nghề trong triển khai thực hiện; công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị 37-CT/TW; vấn đề liên thông giữa Cao đẳng và Trung cấp trong đào tạo; công tác giải quyết đầu ra cho học sinh, sinh viên sau khi ra trường.
Đối với những kiến nghị, đề xuất của Nhà trường, Đoàn công tác ghi nhận đầy đủ để tổng hợp và báo cáo.
 
 
Hình ảnh lưu niệm của Đoàn công tác và đại diện lãnh đạo chủ chốt Trường Cao đẳng Việt - Đức Nghệ An. Ảnh: Trịnh Hường
 
Trịnh Hường