Không chỉ dừng lại ý tưởng khởi nghiệp, năm nay cuộc thi hướng tới hiện thực hóa ý tưởng. Mục tiêu hướng đến các dự án có hàm lượng cao ứng dụng khoa học công nghệ số trong mọi lĩnh vực, đặc biệt lĩnh vực chăm sóc, hỗ trợ người cao tuổi, người khuyết tật bối cảnh Covid-19 và trạng thái bình thường mới.

Các dự án khởi nghiệp sẽ được hỗ trợ hoàn thiện ý tưởng

Sáng ngày 18/6/2021 tại Hà Nội, Tổng cục giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc – UNFPA tổ chức Lễ phát động Cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp" năm 2021 - Startup Kite từ nguồn tài trợ của Chính phủ Nhật Bản.

Startup Kite là hoạt động hàng năm, nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, là sân chơi bổ ích, kích thích khả năng sáng tạo, tư duy năng động, truyền nguồn cảm hứng kinh doanh và trang bị kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên. Năm 2021 với chủ đề "Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thời đại 4.0", cuộc thi hướng đến các ý tưởng, dự án có hàm lượng cao ứng dụng khoa học công nghệ nhất là công nghệ số trong mọi lĩnh vực nhằm chăm sóc, hỗ trợ người cao tuổi, người khuyết tật bối cảnh Covid-19 và trạng thái bình thường mới, được tổ chức từ tháng 5 đến tháng 11 năm 2021.
 
Các đại biểu tham gia lễ phát động Startup Kite 2021. ẢNh: Hoàng Hiếu TTX
Các đại biểu tham gia lễ phát động Startup Kite 2021.
Tiêu chí của Startup Kite năm nay gồm 5 nhóm tiêu chí, đó là: Tính mới, sáng tạo; tính khả thi và cạnh tranh; tính chuyên môn, ứng dụng khoa học công nghệ và kỹ thuật, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19; thể thức trình bày, hình thức thuyết trình và phản biện; tính hiệu quả kinh tế - xã hội và ứng dụng thực tế.

Startup Kite 2021 bao gồm 3 vòng thi. Các đội, nhóm, thí sinh được vào vòng chung kết sẽ được tổ chức tập huấn, bồi dưỡng các kiến thức, kỹ năng cơ bản về khởi nghiệp và hướng dẫn hoàn thiện ý tưởng, dự án để thi chung kết.

Cuộc thi có cơ cấu giải thưởng gồm: 1 giải nhất, tối đa 2 giải nhì, tối đa 3 giải ba. Mỗi giải nhất, nhì, ba được tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH kèm tiền thưởng, cúp khởi nghiệp và nhận hỗ trợ triển khai dự án từ các nhà đầu tư.

Lễ trao giải Startup Kite 2021 sẽ được tổ chức trong khuôn khổ Ngày hội khởi nghiệp quốc gia học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp vào tháng 11/2021 tại miền Trung.
 
Kêu gọi học sinh, sinh viên đưa các giải pháp phục vụ cộng đồng 
 
Phát biểu tại buổi Lễ phát động, Thứ Trưởng Bộ LĐTBXH Lê tấn Dũng nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc thi. Thứ Trưởng động viên học sinh, sinh viên tham gia cuộc thi: "Bằng tình yêu nghề nghiệp hãy tập trung thể hiện sức trẻ của mình, nêu cao tinh thần đổi mới sáng tạo, vận dụng các kiến thức, kỹ năng của mình để đưa ra các sáng kiến, các giải pháp giải quyết các vấn đề của cộng đồng, của xã hội.

Tôi kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tiếp tục quan tâm, gắn kết với giáo dục nghề nghiệp, trong đó có việc quan tâm thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp, qua đó, giúp giáo dục nghề nghiệp thực hiện thành công mục tiêu tạo một nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu đổi mới của đất nước", ông Dũng nói.

 
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê tấn Dũng kêu gọi các bạn học sinh, sinh viên phát huy sức trẻ đưa ra ý tưởng sáng tạo phục vụ cộng đồng. Ảnh: Hoàng Hiếu
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê tấn Dũng kêu gọi học sinh, sinh viên phát huy sức trẻ đưa ra ý tưởng sáng tạo phục vụ cộng đồng. 
Cũng tại Lễ phát động, ông Okabe - Phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam nhận định: "Thế hệ trẻ đóng vai trò quan trọng, góp phần chăm sóc tốt hơn đến những người dễ bị tổn thương. Chính phủ Việt Nam vẫn thường xuyên nhấn mạnh chuyển đổi số có thể là động lực thay đổi xã hội trong đó có cuộc sống của người cao tuổi và người khuyết tật. Vì vậy tôi tin rằng cuộc thi này sẽ là cơ hội cho thế hệ trẻ và thế hệ cao tuổi có thể cùng hợp tác trên nhiều lĩnh vực".

Trong những năm vừa qua, UNFPA đã tập trung quan tâm và hỗ trợ những nhóm dân số dễ bị tổn thương, bao gồm người cao tuổi, đặc biệt người cao tuổi là phụ nữ. Người trên 60 tuổi đặc biệt dễ bị tổn thương trước Covid-19, bởi họ đối mặt với nguy cơ diễn biến bệnh nặng hơn và khả năng tử vong cao hơn. 95% người cao tuổi có bệnh lý nền, mãn tính, điều này càng khiến họ dễ bị ảnh hưởng trước những tác động tiêu cực của đại dịch. Giãn cách xã hội và các biện pháp phòng tránh Covid -19 cũng làm giảm khả năng sẵn sàng phục vụ của các cơ sở chăm sóc tập trung cho người cao tuổi.

Trong bài phát biểu của mình, bà Naomi Kitahara - Trưởng đại diện UNFPA đề cập rằng tương tự như với phụ nữ mang thai, dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi thường bị gián đoạn, đặt ra những thách thức đặc thù đối với người cao tuổi khuyết tật. Giãn cách xã hội cũng có thể gây cô lập người qua tuổi, khiến họ gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin, hàng hóa và dịch vụ thiết yếu.

Bà Naomi Kitahara cũng cho biết: "Để ứng phó với thực trạng già hóa dân số và đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi, cần áp dụng cách tiếp cận theo vòng đời. Điều này đòi hỏi cần có giải pháp giải quyết những vấn đề mà người cao tuổi hiện tại và sau này gặp phải. Để làm được điều này cần giúp đỡ người trẻ chuẩn bị cho tuổi già và một xã hội già bằng cách thúc đẩy liên kết giữa các thế hệ trong quá trình chuyển đổi số".
Nguồn từ Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp