Hiệp định Giơ – Ne – Vơ năm 1954: Thắng lợi trên con đường cứu nước của nhân dân ta

Hội nghị Giơ-ne-vơ 1954 về hòa bình ở Việt Nam, Đông Dương được tổ chức theo Quyết nghị của Hội nghị ngoại trưởng 4 nước lớn gồm Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp tại Berlin tháng 02 năm 1954 để giải quyết vấn đề Triều Tiên và chiến tranh tại Đông Dương. Hội nghị khai mạc ngày 08/5/1954 và kết thúc vào ngày 21/7/1954. Trải qua 75 ngày đàm phán gay go, căng thẳng, với 31 phiên họp, cùng nhiều cuộc gặp, tiếp xúc song phương và đa phương bên lề Hội nghị, cuối cùng các bên tham gia Hội nghị, trừ Mỹ, đã thỏa thuận và ký kết được các văn bản về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam và trên toàn cõi Đông Dương. Thắng lợi trong việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam là thắng lợi vẻ vang của nền ngoại giao cách mạng non trẻ của Nhà nước Dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á - Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
 
Hội nghị Giơ-ne-vơ (Thụy Sỹ) năm 1954 bàn về lập lại hòa bình ở Đông Dương. Ảnh: Tư liệu

Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam đã chấm dứt ách đô hộ kéo dài hàng thế kỷ của thực dân Pháp ở Việt Nam và trên toàn cõi Đông Dương. Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, tiến hành xây dựng Chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu phương vững mạnh cho nhân dân miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc sau này. Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam đã đi vào lịch sử, cùng với Hiệp định Sơ bộ ngày 06/3/1946 và Hiệp định Paris năm 1973 đã trở thành 3 Văn kiện Ngoại giao quan trọng nhất trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của dân tộc ta.

Hội nghị Giơ-ne-vơ là một Hội nghị quốc tế, do hoàn cảnh lịch sử lúc đó nên thành phần, thời gian, bước đi của Hội nghị do các nước lớn quyết định. Nhưng về phía Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nếu Chính phủ Pháp đã rút ra được bài học trong cuộc chiến tranh, muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng thì nhân dân và Chính phủ Việt Nam sẵn sàng tiếp nhận ý muốn đó… Cơ sở của việc đình chiến ở Việt Nam là Chính phủ Pháp thật thà tôn trọng nền độc lập thật sự của Việt Nam… Việc thương lượng đình chiến chủ yếu là một việc giữa Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa với Chính phủ Pháp”.

Tham dự đàm phán, đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng kiêm quyền Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng dẫn đầu, đoàn của Pháp do Bộ trưởng Ngoại giao Bi-đôn dẫn đầu. Việt Nam lần đầu tiên tham dự một đấu trường quốc tế lớn với tư thế của người chiến thắng. Điều đó tạo điều kiện cho Việt Nam thể hiện tiếng nói chính nghĩa của mình và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Đặt trên bàn Hội nghị để đàm phán gồm 8 điểm về giải pháp toàn diện cho vấn đề Đông Dương. Trong đó nhấn mạnh 2 vấn đề quân sự và chính trị cho 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Phải nói rằng, kết quả trên bàn đàm phán là do chiến trường quyết định. Chiến thắng Điện Biên Phủ có tác động quyết định đến việc đánh bại dã tâm và chính sách xâm lược của thực dân Pháp, buộc Pháp phải công nhận các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam, Lào, Campuchia, chấp nhận kết thúc chiến tranh, rút hết quân viễn chinh về nước để nhân dân 3 nước tự quyết định vận mệnh của mình.

Hiệp định Giơ-ne-vơ là sự xác nhận trên phạm vi quốc tế sự thất bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, công nhận độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Thành quả quan trọng nhất của Hội nghị Giơ-ne-vơ chính là giá trị pháp lý quốc tế đảm bảo cho sự thực hiện mục tiêu cao cả thiêng liêng của dân tộc ta là thống nhất đất nước, non sông thu về một mối. Ở khía cạnh ngoại giao vào thời điểm bấy giờ, đây là một thành quả đem lại thế và lực mới cho nước ta trên trường quốc tế.

Hiệp định Giơ-ne-vơ mở ra thời kỳ mới cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta. Tranh thủ điều kiện hòa bình, Việt Nam tiến hành khôi phục và phát triển kinh tế ở miền Bắc, chuẩn bị hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước sau này. Hội nghị Giơ-ne-vơ cũng đã đem lại những bài học quý giá cho Cách mạng Việt Nam. Đó là bài học về kết hợp giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh ngoại giao. Cần tạo cục diện đánh - đàm mà trước tiên là từ thắng lợi ở chiến trường, nhưng ngoại giao cũng rất quan trọng làm cho thế giới thấy rõ cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân ta để tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế, tác động vào nội bộ đối phương nhằm kiềm chế kẻ thù và tạo áp lực kéo địch xuống thang. Trong đấu tranh ngoại giao cần thiết phải nắm chắc được tương quan lực lượng, sự tính toán của các nước lớn để đánh giá đúng tình hình, từ đó đặt ra được lộ trình đấu tranh để thắng từng bước, đánh đổ từng bộ phận, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn. Bài học tổng quát nhất là luôn kiên trì tinh thần độc lập tự chủ, không bị chi phối trước bất cứ thế lực nào. Chính nhờ vậy, giúp chúng ta ở hội nghị Pari về sau này có kinh nghiệm hơn, vững vàng hơn trước những sức ép từ các phía mà không bị quốc tế hóa.

Thắng lợi ở Hội nghị Giơ-ne-vơ là thắng lợi trong cuộc đấu tranh ngoại giao bằng việc quán triệt sâu sắc các Nghị quyết của Đảng, bằng đường lối đối thoại độc lập, tự chủ, bằng nội lực của dân tộc và sự khôn khéo tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của dư luận tiến bộ trên thế giới để có bước phá vây quốc tế có kết quả thuận lợi, tạo cục diện quốc tế có lợi cho nước ta trong một bối cảnh phức tạp ở Hội nghị Giơ-ne-vơ; là bài học còn mang tính thời sự nóng hổi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa thời kỳ mở cửa kinh tế, hội nhập quốc tế hiện nay.
 
Trịnh Hường (Tổng hợp)