HĐND tỉnh và trách nhiệm trong tình hình mới   


Bước vào nhiệm kỳ 2021 - 2026, trước yêu cầu phát triển cao hơn của tỉnh và mỗi địa phương, cùng với các yếu tố mới phát sinh, nhất là dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, đặt ra cho cơ quan HĐND tỉnh, mỗi đại biểu HĐND tỉnh phải nỗ lực và đổi mới mạnh mẽ để làm tròn trách nhiệm dân cử trong tình hình mới.

Chuyển động bước đầu

Nhiệm kỳ mới 2021 - 2026, HĐND tỉnh Nghệ An được bầu 83 đại biểu (giảm 9 đại biểu so với nhiệm kỳ 2016 - 2021). Đại biểu HĐND tỉnh ở nhiệm kỳ này được đánh giá đảm bảo rộng về cơ cấu, đa dạng về thành phần và chất lượng được nâng cao. Đặc biệt, theo đề án Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt, bộ máy của HĐND tỉnh được đổi mới, bao gồm trưởng các ban HĐND tỉnh không do các Ủy viên Ban Thường vụ kiêm nhiệm mà bố trí đại biểu chuyên trách và ủy viên các ban HĐND tỉnh không đồng thời là ủy viên UBND tỉnh. 

Kỳ họp thứ hai, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Ảnh tư liệu: Thành Cường

Điều này được đồng chí Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh khẳng định, sẽ tăng tính độc lập, chủ động, khách quan và phát huy cao nhất cơ quan chuyên trách của HĐND tỉnh trong các hoạt động thẩm tra các báo cáo, dự thảo nghị quyết do UBND tỉnh trình tại các kỳ họp; trong giám sát, khảo sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách, thực thi pháp luật của UBND tỉnh và các cấp.

Cùng với bộ máy, phương pháp, cách thức tổ chức công việc của HĐND tỉnh cũng được đổi mới, phát huy vai trò, sức mạnh tổng hợp của các đại biểu HĐND tỉnh, tổ đại biểu, các ban HĐND tỉnh; linh hoạt, sáng tạo trong từng tình hình, tình huống cụ thể. Thể hiện rõ nhất trong tổ chức Kỳ họp thứ hai - kỳ họp thường lệ đầu tiên, nhiệm kỳ 2021 - 2026 của HĐND tỉnh, được tổ chức vào giữa tháng 8 vừa qua.

Từ khâu thẩm tra các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp được từng đồng chí trong Thường trực và thành viên các ban HĐND tỉnh nghiên cứu kỹ, cho ý kiến độc lập và được tổng hợp, trình bày tại cuộc họp thẩm tra. Trên cơ sở đó, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ban, ngành liên quan tiếp thu để điều chỉnh, bổ sung hoặc giải trình ngay tại cuộc thẩm tra đó (các sở, ngành không đọc lại các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết đã gửi trước đó cho Thường trực và các ban HĐND tỉnh tại cuộc họp).

Đồng chí Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh thăm hỏi, động viên lực lượng trực chốt phòng chống dịch Covid-19 tại xã Quỳnh Giang (Quỳnh Lưu). Ảnh tư liệu: Thanh Lê

Với mục tiêu cải cách hành chính, tiến tới kỳ họp “không giấy”, tại kỳ họp thứ hai, các tài liệu kỳ họp được gửi qua hộp thư điện tử và phần mềm quản lý tài liệu cho các đại biểu nghiên cứu trước, đảm bảo sâu và chất lượng hơn, chứ không phải đến tại kỳ họp mới nghiên cứu. Thường trực HĐND tỉnh cũng đặt ra yêu cầu trách nhiệm đối với các tổ đại biểu HĐND tỉnh tổng hợp ý kiến cử tri tại địa phương; tổ chức thảo luận, tổng hợp ý kiến góp ý của các đại biểu HĐND tỉnh thuộc tổ liên quan đến các báo cáo, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp, kể cả những suy nghĩ, ý kiến, đề xuất của các đại biểu về các cơ chế, chính sách hiện nay, gửi về Văn phòng HĐND tỉnh.

Trên cơ sở đó, HĐND tỉnh tổng hợp gửi các đại biểu và UBND tỉnh, các sở, ngành nghiên cứu, trả lời, không chờ đến kỳ họp mới tiến hành thảo luận, chất vấn, giảm áp lực cho kỳ họp. Bởi vậy, dù kỳ họp thứ hai vừa qua, thời gian tổ chức giảm 1 ngày so với các kỳ họp thường lệ trước đây (không tổ chức phiên thảo luận tổ, phiên chất vấn), nhưng chất lượng và các nội dung của kỳ họp vẫn đảm bảo.

Nâng cao tính chuyên nghiệp của đại biểu

Muốn nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh trong nhiệm kỳ mới, góp phần thực hiện tốt vị trí, vai trò cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, yếu tố quan trọng nhất là ý thức, trách nhiệm và năng lực hoạt động của mỗi đại biểu HĐND tỉnh.

Ban Dân tộc HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện dự án kéo điện về cho các thôn, bản chưa có điện ở huyện Quỳ Châu. Ảnh tư liệu: Mai Hoa

Mỗi đại biểu, trong quá trình làm nhiệm vụ đại biểu cũng cần tăng cường khảo sát, giám sát việc triển khai thực hiện các kế hoạch, chính sách cũng như hoạt động của chính quyền các cấp, đặc biệt là chính quyền địa phương nơi được bầu, để các kế hoạch, chính sách đi vào cuộc sống; đồng thời thông qua giám sát để đôn đốc chính quyền các cấp chuyển từ giải trình, giải thích sang giải pháp và cách thức giải quyết các vấn đề từ thực tiễn cũng như các kiến nghị chính đáng của cử tri như chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đối với chính quyền các cấp.

Mỗi đại biểu HĐND phải thường xuyên tự nghiên cứu, tự trau dồi để nâng cao năng lực, kỹ năng hoạt động chuyên nghiệp của đại biểu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Khắc phục các khó khăn, vướng mắc

Bên cạnh chất lượng hoạt động của đại biểu, trong nhiệm kỳ mới này, HĐND tỉnh cũng quan tâm việc giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc mà thực tiễn đặt ra. Chẳng hạn như trong giải quyết kiến nghị của cử tri, thực tiễn vẫn còn nhiều kiến nghị của cử tri phản ánh nhiều lần chưa được giải quyết dứt điểm. Điều này làm ảnh hưởng đến niềm tin của cử tri và nhân dân vào cơ quan dân cử. Vấn đề đặt ra là HĐND tỉnh cần có một cơ chế rõ ràng trong việc giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri; kiến nghị nào vướng mắc do cơ chế, chính sách thì trả lời rõ; kiến nghị nào do chưa có nguồn lực để thực hiện thì cần làm rõ kế hoạch, lộ trình để ưu tiên nguồn lực thực hiện, hạn chế tình trạng “đổ lỗi” cho nguồn lực để không có giải pháp cụ thể.

Các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết của HĐND tỉnh đang phát huy hiệu quả tại các địa phương. Ảnh: Mai Hoa

Cùng với đó, là có giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả sau giám sát, sau chất vấn, giải trình của HĐND, Thường trực và các ban HĐND tỉnh ở một số nội dung, chuyên đề chưa cao, chưa triệt để...

Sự đổi mới của HĐND tỉnh trong công tác chuẩn bị và tổ chức kỳ họp thứ hai vừa qua đã được đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: Đó là tiền đề quan trọng để tiếp tục nâng cao chất lượng các kỳ họp tới của HĐND  tỉnh; trong đó, tập trung đổi mới phương pháp tổ chức, điều hành thảo luận tại kỳ họp; lựa chọn nội dung thảo luận, chất vấn sát thực tiễn, những vấn đề được đông đảo cử tri quan tâm gắn với trách nhiệm giải trình nhanh - gọn - thấu đáo của các cơ quan chức năng có liên quan.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tiến tới áp dụng có hiệu quả mô hình “kỳ họp không giấy”, quản lý dữ liệu, tài liệu của HĐND tỉnh bằng phần mềm. Đa dạng các hình thức tiếp xúc cử tri, theo hướng tăng cường tiếp xúc chuyên đề, tiếp xúc trực tiếp với người dân, người lao động, theo ngành nghề, theo giới… Đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền các hoạt động của HĐND, tạo "cầu nối" giữa đại biểu, cử tri và Nhân dân trong toàn tỉnh…

Một góc thành phố Vinh. Ảnh tư liệu: Thành Cường

Theo PV
Báo Nghệ An