Thực hiện Chương trình công tác Đoàn và phong trào Thanh niên năm học 2023 - 2024, sáng ngày 23/4/2024, Đoàn Thanh niên Trường Cao đẳng Việt – Đức Nghệ An đã tổ chức Chương trình “Hành trình tuổi trẻ về với các địa chỉ đỏ”, với sự tham gia của các đồng chí Lê Văn Đức – Ủy viên Ban Chấp hành Tỉnh đoàn, Bí thư Đoàn trường - Trưởng đoàn; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn trường; Bí thư Liên chi đoàn và Bí thư Chi đoàn cùng các đại diện Đoàn viên xuất sắc các chi đoàn. Đây là hoạt động ý nghĩa góp phần giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho đoàn viên thanh niên trong Nhà trường.
 
 
"Hành trình Tuổi trẻ về với các địa chỉ đỏ" của Đoàn Thanh niên Trường Cao đẳng Việt - Đức Nghệ An. Ảnh: Đoàn Thanh niên

Hành trình về các địa chỉ đỏ là hoạt động nhằm bồi dưỡng, vun đắp tư tưởng chính trị cho đoàn viên thanh niên trong toàn Trường, đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước, vun đắp tinh thần chống giặc ngoại xâm của quân và dân ta, qua đó phát huy tinh thần đoàn kết, thi đua học tập, rèn luyện và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Mở đầu chuỗi hành trình về các địa chỉ đỏ, hơn 35 cán bộ Đoàn chủ chốt của các chi đoàn trong Đoàn trường đã tới dâng hương tại Khu Di tích Cố Tổng Bí thư Trần Phú. Đồng chí Trần Phú sinh ngày 01/5/1904, tại thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên; nguyên quán tại xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Đồng chí là con thứ 7 trong gia đình có 8 anh chị em; bố là nhà nho Trần Văn Phổ, mẹ là Hoàng Thị Cát. Tháng 10 năm 1930, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ nhất tại Hương Cảng (Trung Quốc) đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Đồng chí mất ngày 6/9/1931, sau khi bị Thực dân Pháp bắt và tra tấn dã man. Đồng chí đã hy sinh khi vừa tròn 27 tuổi với câu nói bất hủ “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”. Tròn 93 năm cố Tổng Bí thư Trần Phú hy sinh nhưng tinh thần, chí khí bất tử của đồng chí vẫn luôn là tấm gương sáng rọi cho muôn thế hệ sau học tập, noi theo. Tại đây, Đoàn Thanh niên được tham quan quần thể Khu di tích Cố Tổng Bí thư Trần Phú gồm 2 phần: Khu mộ và Khu Lưu niệm. Khu mộ đồng chí Trần Phú đặt trên đồi Quần Hội, có diện tích hơn 47.000 m2, hướng nhìn ra Bến Tam Soa. Khu mộ khởi công xây dựng vào tháng 01/2000 và hoàn thành vào tháng 4/2004, đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Cố Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.
 
 
 
Đoàn trường dâng hương tưởng niệm tại Khu Di tích Cố Tổng Bí thư Trần Phú. Ảnh: Đoàn Thanh niên

Cũng trong khuôn khổ chương trình hành trình về với các địa chỉ đỏ, Đoàn Thanh niên Trường Cao đẳng Việt – Đức Nghệ An đã tới thăm Ngã Ba Đồng Lộc, tham quan và tìm hiểu về kỷ vật của 10 cô gái Ngã Ba Đồng Lộc. Tại đây, Đoàn đã được xem vùng trọng điểm Ngã Ba Đồng Lộc năm 1968, trên tuyến đường huyết mạch 15A, nơi 10 nữ Anh hùng liệt sĩ tiểu đội 4-C552 Thanh niên xung phong đã sống, chiến đấu và hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm liên tục thông đường cho các đoàn xe chở vũ khí, lương thực từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam.

Không gian Ngã Ba Đồng Lộc hiện ra trước mắt, phản ánh được sự gian khổ, ác liệt của một giai đoạn bi tráng nhưng hào hùng của dân tộc, tỏa sáng, trong đó lý tưởng cao đẹp, lòng yêu nước và những giá trị nhân bản của người Việt Nam nói chung, phụ nữ Việt Nam nói riêng, sẵn sàng hy sinh tất cả vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
 
 
 
 
 
 
 
Đoàn trường dâng hoa tưởng niệm 10 cô gái Ngã Ba Đồng Lộc. Ảnh: Đoàn Thanh niên

Địa chỉ đỏ tiếp theo trong hành trình của Đoàn là Khu Di tích Anh hùng Lý Tự Trọng. Tại đây, Đoàn được tham quan Khu tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Lý Tự Trọng với tổng diện tích gần 5ha, tọa lạc ngay cạnh sông Cầu Sông, thuộc địa phận thôn Tân Long, xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

Anh hùng Lý Tự Trọng tên thật là Lê Hữu Trọng, sinh ngày 20/10/1914 tại Bản Mạy, tỉnh Nakhon Phanom, Thái Lan; nguyên quán xã Việt Xuyên, nay là xã Việt Tiến, huyện Can Lộc. Bố mẹ ông đều là những Việt kiều yêu nước và sớm giác ngộ cách mạng. Năm 1926, Lê Hữu Trọng là một trong 8 thiếu nhi Việt Kiều được chọn sang Quảng Châu (Trung Quốc) học tập. Đến nơi, Lê Hữu Trọng được đổi tên thành Lý Tự Trọng. Sau đó, chàng thiếu niên được giới thiệu vào học tại trường Trung học Trung Sơn và được cử làm liên lạc cho Tổng bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội.
 
 
 
Đoàn trường dâng hương tại Khu Di tích Anh hùng liệt sỹ Lý Tự Trọng. Ảnh: Đoàn Thanh niên

Năm 1929, Lý Tự Trọng về Sài Gòn – Gia Định với nhiệm vụ làm liên lạc bí mật trong và ngoài nước cho Xứ ủy Nam Kỳ và Trung ương Đảng, đồng thời được giao nhiệm vụ vận động tập hợp thanh niên trong các nhà máy, trường học để thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản. Ngày 8/2/1931, các chiến sỹ Cách mạng Việt Nam tổ chức một cuộc mít ting chớp nhoáng nhưng bị mật thám của Thực dân Pháp bắt gặp. Lý Tự Trọng bị bắt giam, tra tấn dã man nhưng không khai một lời. Ngày 21/11/1931, Anh hùng Lý Tự Trọng bị kẻ thù xử chém, anh hy sinh khi mới tròn 17 tuổi. Trước tòa án của Đế quốc Thực dân, Lý Tự Trọng từng hiên ngang tuyên bố “Con đường của Thanh niên chỉ là con đường Cách mạng chứ không thể có con đường nào khác…”. Câu nói đó sau này trở thành kim chỉ nam cho cả suy nghĩ và hành động của các thế hệ Thanh niên Cách mạng Việt Nam.

“Hành trình Tuổi trẻ về với các địa chỉ đỏ” là hoạt động thiết thực trong tuyên truyền, giáo dục đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ của Đoàn Thanh niên Trường Cao đẳng Việt – Đức Nghệ An. Từ chương trình ý nghĩa này, tuổi trẻ Nhà trường đã có những bài học lịch sử, nâng cao tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, quê hương; thể hiện lòng biết ơn, tự hào với truyền thống của cha anh, xứng đáng là người Đoàn viên TNCS Hồ Chí Minh.
 
Trịnh Hường