Gửi bạn trượt đại học: Đề thi có một đáp án còn cuộc đời có vô vàn hồi đáp
Nếu lỡ bạn thiếu chút may mắn, vụt mất cơ hội giành "tấm vé" vào đại học thì đừng thất vọng. Bởi khi cánh cửa này khép lại thì sẽ có nhiều cánh cửa khác mở ra, quan trọng là bạn biết cách nắm bắt nó.
Đại học là giấc mơ của rất nhiều học sinh. Kết quả của 12 năm đèn sách thường được người ta đánh giá qua kỳ thi quan trọng này. Thế nhưng, vốn dĩ cuộc đời có nhiều ngã rẽ khác nhau. Không phải thành công nào cũng nhờ được đào tạo ở trường đại học. Có nhiều người chạm đến đỉnh cao danh vọng vì họ đi con đường khác.
Vì một lý do nào đó bạn không thể hoàn thành tốt kỳ thi đại học, kết quả cuối cùng không như ý nguyện. Ở câu chuyện này, một số bạn trẻ lựa chọn ôn tập, đợi chờ mùa thi năm sau. Số khác thì "rẽ lối" học trường nghề, đặt trọn niềm tin vào chính mình.
Học nghề - một hướng đi rất thực tế!
Trong suy nghĩ của nhiều người, học nghề cơ bản chỉ sử dụng sức lao động, sau khi ra trường cũng không có nhiều cơ hội để thăng tiến sự nghiệp.
Tuy nhiên, học nghề là một hướng đi rất thực tế, phát huy trọn vẹn những thế mạnh của bạn. Vốn dĩ kỳ thi năm 18 tuổi ấy không quyết định thành bại của cuộc đời bạn. Bạn còn cả một hành trình dài để phấn đấu. "Rẽ lối" học nghề, làm công việc yêu thích đôi khi lại là mối duyên lành.
Đại học - cánh cửa đổi đời nhưng không phải là lựa chọn duy nhất...
Chẳng hạn, bạn có năng khiếu về làm đẹp thì đừng chần chừ theo đuổi đam với các ngành như thiết kế thời trang, trang điểm…Xã hội phát triển, nhu cầu làm đẹp cũng ngày càng nâng cao, nhờ đó cơ hội nghề nghiệp tương lai của bạn cũng "không lo hẹp lối".
Trong một cuộc gặp mặt của nhóm bạn cũ có câu chuyện khiến tôi nhớ mãi. Năm ấy, 4/5 người bạn trong nhóm chúng tôi đều vào được ngôi trường đại học mơ ước. Chỉ có Mai không may mắn vì thiếu điểm. Thời điểm đó, chúng tôi không có thêm các nguyện vọng để dự phòng, thiếu điểm cũng đồng nghĩa là mất cơ hội học đại học.
Mai chọn một trường nghề gần nhà, vừa học vừa làm. Cô ấy chỉ mất hơn 1 năm để thành thạo nghề, thay vì 4 năm dành cho việc học đại học sau đó mới đi làm như chúng tôi. Khi chúng tôi vẫn là những cô sinh viên năm 3 thì Mai đã có 2 năm kinh nghiệm nghề nghiệp thực tế. Mức thu nhập của cô bỏ xa đám bạn ngày ấy.
Trượt đại học không hề đáng sợ như bạn tưởng, vì vẫn luôn có một cơ hội dành cho bạn.
Thế mới thấy, nếu chuyên tâm học hành, có tinh thần cầu tiến, nâng cao tay nghề bạn hoàn toàn kiếm được mức thu nhập ổn, không hề kém cạnh các sinh viên tốt nghiệp đại học.
Ngày nay không khó để nhìn thấy bức tranh "thất nghiệp", sinh viên mới ra trường "rải" hồ sơ xin việc và đợi chờ mòn mỏi mới có được công việc. Nhiều người chật vật làm trái ngành để bám trụ lại thành phố lớn. Thế nhưng, đến cuối cùng cũng không ít người đành "rời phố về quê".
Đề thi có một đáp án, còn cuộc đời có vô vàn lời hồi đáp cho riêng bạn
Có một câu nói thế này, chỉ có những người chưa trưởng thành mới dòm ngó xem ai thảm hại hơn, còn người lớn lo bước tiếp, đặt ra mục tiêu rõ ràng cho tương lai. Việc so sánh điểm số, trường ai "xịn" hơn thật ra không có ý nghĩa.
Vào đại học chỉ là một trong những con đường bạn có thể lựa chọn. Trên đời này vốn dĩ có rất nhiều con đường khác dành cho bạn. Điều quan trọng bạn có dám can đảm bước đi hay không mà thôi!
Đại học không phải là giấy thông hành giúp cuộc đời bạn "nở hoa".
Từ những "cú ngã" bạn sẽ biết được bản thân mình đang ở vị trí nào. Trượt đại học không có nghĩa là cuộc đời bạn cũng trượt mãi trong thất bại. Trên con đường chạm đến thành công có đầy gai nhọn, đầy giông gió, bạn chỉ cần kiên tâm mà vượt qua. Bạn sống cuộc sống riêng của bạn, đừng chăm chăm nhìn vào lời phán xét từ miệng người khác.
Bạn thử nghĩ xem, trong khi bạn ôm mãi nỗi muộn phiền thất bại đầu đời thì những bạn trẻ khác đã sẵn sàng vượt qua cú sốc ấy. Không quan trọng bạn học trường nào, vì không có trường đại học nào dạy bạn cách phải sống ra sao. Đề thi có một đáp án, còn cuộc đời có vô vàn lời hồi đáp cho riêng bạn.
Trải qua những "cuộc đua" chúng ta leo lên chuyến tàu đến thế giới người lớn với tất cả sự mạnh mẽ và bản lĩnh. Bạn đừng xem trượt đại học như một dấu chấm hết trống rỗng mà hãy xem là cơ hội để mở ra cánh cửa mới, con đường mới.
Cuộc đời chia đều cơ hội cho tất cả chúng ta, ai biết nắm bắt sẽ trở thành người thắng cuộc.
Bài & Thiết kế: Tuệ Nhi
Cổng thông tin Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp