Gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ: Đa dạng nhóm người thụ hưởng, đơn giản thủ tục, dễ tiếp cận
Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 là một trong những thiết kế chính sách thật sự đơn giản, thân thiện với người lao động. Điểm nổi bật là giảm 2/3 số thủ tục hành chính, các đối tượng sẽ dễ dàng tiếp cận, thụ hưởng hơn. Bà Valentina Baccuci, Phó Giám đốc ILO tại Việt Nam nhận định, gói 26.000 tỷ đã đa dạng nhóm người thụ hưởng hơn, như phụ nữ có thai, trẻ em và lao động trong khu vực phi chính thức.
Gói hỗ trợ đem lại kỳ vọng phục hồi tích cực
Những con số thống kê về tình hình lao động, việc làm quý II đưa ra tại Họp báo công bố "Tình hình lao động việc làm quý II và Kết quả Khảo sát mức sống dân cư năm 2020" của Tổng cục Thống kê ngày 6/7.đã phản ánh những khó khăn và biến động của nền kinh tế và thị trường lao động trong thời gian qua do ảnh hưởng của đại dịch.
Trong các giải khuyến nghị để giảm thiểu tác động tiêu cực của Covid-19, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Trung Tiến "cần chủ động và tích cực triển khai hiệu quả 12 chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch theo đúng tinh thần của Nghị quyết 68/NQ-CP vừa ban hành".
Ưu tiên chú trọng thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương, ngừng việc, chấm dứt hợp đồng và hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động.
Ông Nguyễn Trung Tiến kỳ vọng: "Gói hỗ trợ mới này với những cải cách về chính sách, thủ tục hành chính sẽ giúp người lao động và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận. Việc triển khai gói hỗ trợ sẽ đem lại những tín hiệu phục hồi tốt hơn trong 6 tháng cuối năm".
Tại họp báo, theo đánh giá của Bà Valentina Baccuci, Phó Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), thị trường lao động Việt Nam có tín hiệu hồi phục ở một số lĩnh vực nhất định. Lực lượng lao động vẫn tăng 1,7 triệu người so với cùng kỳ năm trước.
"Tương tự như vậy, nguồn thu nhập cũng tăng lên ở một số lĩnh vực, nhóm ngành. Thu nhập bình quân 6 tháng đầu năm 2021 là 6,2 triệu đồng, tăng 320.000 đồng so với cùng kỳ năm ngoái", bà Valentina Baccuci ghi nhận.
Còn ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và Lao động, Tổng cục Thống kê đánh giá cao, so sánh với các gói hỗ trợ trước đây, Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 là một trong những thiết kế chính sách thật sự đơn giản, thân thiện với người lao động.
"Điểm nổi bật là giảm 2/3 số thủ tục hành chính, các đối tượng sẽ dễ dàng tiếp cận, thụ hưởng hơn", ông Nam nhấn mạnh.
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Trung Tiến cho rằng cách điều hành, tiếp cận chống dịch của Chính phủ trong năm 2021 đã thay đổi theo hướng tập trung khoanh vùng dập dịch ở nơi dịch xảy ra, còn nơi ít xảy ra dịch vẫn tạo điều kiện để phát triển kinh tế-xã hội.
Nhờ sự thay đổi này nên việc làm của người dân trong 6 tháng đầu năm bị ảnh hưởng, nhưng không nặng nề như năm 2020.
Ảnh hưởng đà khôi phục việc làm, cải thiện thu nhập
Số liệu thống kê cho thấy làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát hồi cuối tháng Tư đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đà khôi phục việc làm và cải thiện thu nhập của người lao động trong quý II. Số người bị tác động tiếp tục tăng hơn 40% so với quý I.
Cụ thể, "trong quý này, dịch Covid-19 đã khiến 12,8 triệu người bị mất việc làm phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập... Số người bị ảnh hưởng tiêu cực đã tăng thêm 3,7 triệu lao động so với quý I", Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Trung Tiến cho biết.
Cho biết về mức độ ảnh hưởng ở từng khu vực, ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động (Tổng cục Thống kê) nêu, dịch vụ là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19.
Lao động thiếu việc làm trong độ tuổi ở khu vực dịch vụ quý II/2021 chiếm tỷ trọng cao nhất với 35,8% (tương đương với hơn 410 nghìn người thiếu việc làm).
Sự bùng phát nhanh hơn, mạnh hơn của dịch Covid-19 lần thứ tư khiến tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị tăng cao hơn so với khu vực nông thôn (tương ứng là 2,8% và 2,49%).
Xu hướng này khác với xu hướng của những năm trước khi tình trạng thiếu việc làm ở khu vực nông thôn thường cao hơn so với khu vực thành thị. "Điều này cho thấy, người dân khu vực nông thôn gia nhập thị trường lao động sớm hơn và rời bỏ thị trường muộn hơn khá nhiều so với khu vực thành thị…", ông Nam nhận định.
Cùng với đó, thu nhập bình quân tháng của lao động quý II đạt 6,1 triệu đồng, giảm 226 nghìn đồng so với quý trước và tăng 547 nghìn đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Diễn biến khó kiểm soát của dịch Covid-19 trong quý II đã làm gián đoạn đà phục hồi thu nhập bình quân của người lao động kể từ quý III/2020 đến quý I/2021. Quý II/2021, ghi nhận mức giảm thu nhập bình quân của người lao động so với quý trước.
Cũng theo công bố của Tổng Cục Thống kê, tuy quý II thu nhập bình quân thấp hơn, nhưng tính chung 6 tháng đầu năm lại tăng, nên thu nhập bình quân tháng từ công việc của lao động có việc làm là 6,2 triệu đồng, tăng 320 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.
Nghị quyết 68: Một trong những nền tảng quan trọng để hồi phục và phát triển KT-XH
Theo ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, TP. Hồ Chí Minh vừa tuyên bố khi người lao động hay người sử dụng lao động nộp hồ sơ thì sau từ 6 đến 7 ngày sẽ được xét duyệt.
Với việc giảm thủ tục hành chính, người lao động hay người sử dụng lao động sẽ không cần phải đến cơ quan chức năng để làm việc, cơ quan chức năng sẽ có trách nhiệm chuyển số tiền hỗ trợ vào tài khoản, chỉ đối tượng nào không có tài khoản thì mới chuyển tiền mặt.
Bà Valentina Baccuci, Phó Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam nhận định, Nghị quyết 68/NQ-CP đã đa dạng nhóm người thụ hưởng hơn như phụ nữ có thai, trẻ em và lao động trong khu vực phi chính thức.
Đại diện ILO tin rằng thực thi tốt Nghị quyết 68/NQ-CP là một trong những nền tảng quan trọng để Việt Nam hồi phục và phát triển kinh tế - xã hội.
Nguồn từ Báo Dân sinh