Trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 55 năm ngày Bác Hồ đi xa, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vừa tổ chức Hội thảo về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, với sự tham dự của đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa và những người từng công tác tại khu di tích.
Sự kiện đã thêm một lần nữa khẳng định giá trị to lớn của khu di tích đặc biệt này - một trường học về tấm gương đạo đức trong sáng, lối sống giản dị thanh cao, tận hiến đời mình cho nước, cho dân của Bác.
Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tổng thể Di tích lịch sử, văn hóa Phủ Chủ tịch là nơi Bác đã sống và làm việc 15 năm cuối đời, từ khi Bác và Chính phủ kháng chiến trở về Thủ đô sau chiến thắng Điện Biên Phủ (1954) đến khi Bác qua đời tháng 9 năm 1969. Đây chính là quãng thời gian 15 năm, trên cương vị Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước, Người đã cùng Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đề ra chiến lược, sách lược cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, tất cả các di tích cùng với những tài liệu, hiện vật lưu niệm về Người đã được bảo vệ, bảo quản một cách tốt nhất, để đồng bào trong nước và bè bạn quốc tế đến viếng thăm, chiêm ngưỡng nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.
Sau khi Bác qua đời ngày 2/9/1969, quần thể di tích lịch sử liên quan đến Bác đã được hình thành trong khu vực Phủ Chủ tịch, gồm 13 nhà di tích (Phủ Chủ tịch, Nhà 54, Nhà sàn, Phòng họp Bộ Chính trị, Nhà 67, Nhà bếp A, Nhà bếp B, Nhà Bác ký Sắc lệnh, Hầm H66, Hầm D1...); 1.738 tài liệu, hiện vật vốn có thuộc các nhà di tích; 7 di tích ngoài trời như: Ao cá, Giàn hoa Phủ Chủ tịch, Đường xoài, Con đường mòn, Cầu gỗ qua ao… cùng 50 cây di tích là những cây Bác đem về trồng hoặc trực tiếp chăm sóc.
Trải qua bao biến động lịch sử, thời gian chiến tranh ác liệt, di sản nơi ở và làm việc của Bác tại Phủ Chủ tịch vẫn được bảo vệ an toàn chu đáo, hạn chế đến mức thấp nhất mọi tác động từ tự nhiên và con người, đồng thời liên tục đón khách tham quan trong nước, quốc tế.
Bên cạnh Lăng của Người thì 55 năm qua, quần thể di tích này đã đón gần 90 triệu khách từ khắp mọi miền đất nước và từ khoảng 160 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đến tham quan. Trong đó, có nhiều đoàn nguyên thủ quốc gia, nhiều đoàn khách cấp cao đã để lại những dòng cảm tưởng trân trọng về Người.
Có thể khẳng định, quần thể Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là một trong những hệ thống di tích có giá trị đặc biệt trên nhiều phương diện; là một trong số ít di tích còn giữ được tính nguyên gốc, minh chứng sinh động cho tư tưởng, tấm gương đạo đức của vị lãnh tụ cả một đời vì nước, vì dân, vì nhân loại tiến bộ trên thế giới. Nơi đây là địa chỉ đỏ, trường học lớn, sinh động giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho nhiều thế hệ hôm nay và mai sau.
Vì vậy, việc phát huy giá trị Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là giữ gìn, bảo quản nguyên vẹn các kỷ vật gắn liền với cuộc đời hoạt động của Bác Hồ cho thế hệ mai sau mà còn phải truyền đạt cho được tâm hồn, cốt cách, cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh với du khách trong nước và quốc tế.
Thực tế cho thấy, không chỉ người dân trong nước mà với khách du lịch quốc tế, mỗi lần đến với Hà Nội, cùng với vào Lăng viếng Bác, luôn dành thời gian tham quan, tìm hiểu nơi Người từng sống và làm việc những năm cuối đời. Đó là Nhà 67, là ngôi nhà sàn giản dị mang đặc trưng kiến trúc nhà sàn của đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc, là “đường xoài hoa trắng nắng đu đưa”, là ao cá Bác Hồ, nơi in bóng hình Người như một Tiên ông trong cổ tích sau những giờ làm việc căng thẳng cùng Trung ương bàn kế sách lãnh đạo, làm sao để nhanh chóng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, để Bắc Nam sum họp một nhà.
Những tài liệu, hiện vật, những câu chuyện kể về nếp sống, sinh hoạt, làm việc hàng ngày của Bác đều thể hiện sâu sắc tình cảm, nhân cách cao đẹp, cuộc đời giản dị, gần dân, thương dân, tôn trọng nhân dân ở một vị lãnh tụ. Ai cũng thấy đến bên Bác là như thấy được những điều đáng trân quý, được ở lâu hơn càng cảm nhận sâu sắc hơn tinh thần suốt đời tận tụy phục vụ đất nước, nhân dân, mong cho nhân dân luôn được ấm no, lo cho nhân dân trước bản thân mình của Bác.
Với mỗi người dân Việt Nam hôm nay, mỗi lần vào Lăng viếng Bác, tham quan nơi Bác sống và làm việc những ngày cuối đời, đếm từng bậc thang lên ngôi nhà sàn- nơi ghi dấu đậm nét nhất cuộc đời của Người, ai cũng hiểu đó là minh chứng cụ thể nhất về đức tính giản dị và khiêm tốn của một vị lãnh tụ cách mạng, một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ. Còn với những người làm công tác quản lý di tích nơi đây thì gìn giữ những di tích liên quan đến Bác Hồ là gìn giữ một tượng đài về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đó chính là giá trị và ý nghĩa tâm linh sâu sắc của di sản văn hóa đặc biệt mà Bác đã để lại cho chúng ta.
Lan tỏa những giá trị của di tích là lan tỏa những giá trị cao đẹp của đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, để nơi đây xứng đáng là một trường học về đạo đức cách mạng. Cùng với đẩy mạnh việc xuất bản các ấn phẩm bằng nhiều thứ tiếng trên thế giới để giới thiệu thân thế, sự nghiệp của Người đến đông đảo nhân dân và bạn bè quốc tế, các nhà nghiên cứu cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung trưng bày tài liệu, hiện vật tại các nhà di tích, bảo đảm phát huy giá trị một cách hệ thống, đồng bộ, toàn diện khu di tích, trong đó có Di tích Nhà làm việc của Thủ tướng Phạm Văn Đồng - người học trò xuất sắc, người gắn bó mật thiết với Bác trong công tác cũng như đời thường đến cuối đời.
Năm nay là tròn 55 năm Bác Hồ đi xa, 55 năm thực hiện Di chúc của Bác. Làm tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản Hồ Chí Minh, tiếp thu những kinh nghiệm quý báu của các thế hệ đi trước chính là cách để những người làm văn hóa, nhà khoa học tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa quốc gia đặc biệt này; để tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ngày càng lan tỏa mạnh mẽ, góp phần to lớn thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, văn minh như Bác Hồ hằng mong muốn./.
Theo Vân Thiêng (Báo Nghệ An)