Giáo dục nghề nghiệp phải linh hoạt, liên thông, hiện đại và hội nhập quốc tế
Để đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhu cầu học tập suốt đời của người lao động, trong thời gian tới, giáo dục nghề nghiệp buộc phải phát triển theo hướng mở, linh hoạt, liên thông, hiện đại, hội nhập quốc tế và bao trùm.
Tại hội nghị tổng kết 8 năm thực hiện đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” do Bộ GD&ĐT tổ chức, ông Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, quy mô, nhu cầu học tập suốt đời các cấp trình độ giáo dục nghề nghiệp là rất lớn.
Theo tính toán, đối tượng của giáo dục nghề nghiệp chiếm từ 75%-80% lực lượng lao động. Để đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động, trong những năm qua, Bộ LĐ-TB&XH triển khai đồng bộ 3 cấp độ đào tạo: sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và các trình độ đào tạo dưới 3 tháng với hình thức chính quy và thường xuyên.
Mạng lưới các trường Trung cấp, Cao đẳng, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, GDTX có khoảng 1909 cơ sở. Tuy nhiên, nếu tính cả các làng nghề, các doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề thì con số phải đến hàng trăm nghìn cơ sở.
Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành hệ thống chính sách tạo điều kiện huy động các lực lượng tham gia vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Trong đó trao quyền tự chủ tối đa cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, từ tự chủ về chuyên môn, xây dựng chương trình, phương thức đào tạo đến chỉ tiêu tuyển sinh. Chuẩn đầu ra của gần 300 nghề với các cấp trình độ đào tạo cũng đã được ban hành.
(Ông Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, trong thời gian qua, Bộ LĐ-TB&XH đã tham mưu cho Chính phủ, các Bộ, ban ngành ban hành chính sách hỗ trợ miễn giảm học phí cho các đối tượng gia đình người có công, người dân tộc thiểu số, ngành nghề nặng nhọc độc hại, chính sách miễn giảm học phí cho học sinh THCS học trình độ Trung cấp, thanh niên nghĩa vụ quân sự, công an, chính sách tín dụng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn…)
Để tiến tới hội nhập thị trường lao động quốc tế, Bộ LĐ-TB&XH hướng đến phát triển hệ thống đào tạo chất lượng cao, các ngành nghề trọng điểm quốc gia, khu vực và quốc tế. Mạnh dạn thí điểm việc chuyển giao các gói đào tạo của các nước phát triển như của Úc, Đức. Bao gồm chuyển giao cả chương trình, phương pháp đánh giá, đội ngũ nhà giáo, quản trị nhà trường.
Đến nay, đã chuyển giao được 12 nghề của Úc và 22 nghề của Đức. Sau khi chuyển giao, người học có được 2 bằng song song, 1 bằng do trường Việt Nam cấp và 1 bằng của nước chuyển giao cấp. Người học có thể tham gia vào thị trường lao động quốc tế vì được công nhận trình độ.
Những nỗ lực trong đổi mới hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã giúp cho việc tuyển sinh trong những năm gần đây luôn vượt chỉ tiêu. Trong giai đoạn từ năm 2011-2020, hệ thống giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh được 103% kế hoạch. Mặc dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong năm 2019-2020 các trường nghề vẫn tuyển sinh được 101,9% kế hoạch.
Tuy nhiên, để đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người lao động, ông Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) nhấn mạnh, trong thời gian tới, việc phát triển giáo dục nghề nghiệp phải theo hướng mở, linh hoạt, liên thông, hiện đại, hội nhập quốc tế và bao trùm.
Yếu tố liên thông ở đây không nghĩa chỉ là liên thông trong nội tại hệ thống giáo dục nghề nghiệp với các hệ thống khác trong hệ thống giáo dục quốc dân mà phải xác định liên thông giữa hệ thống giáo dục nghề nghiệp với hệ thống kỹ năng, với các hệ thống khác của quốc tế.
Chú trọng đào tạo chất lượng cao và đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng, đào tạo chuyển nghề, đào tạo thích ứng cho lực lượng lao động đang trong thị trường lao động.
“Như vậy, mỗi năm có khi phải đào tạo hàng chục triệu người để thích ứng được với những thay đổi của khoa học công nghệ, sự thay đổi của thị trường lao động.” – ông Phạm Vũ Quốc Bình nhấn mạnh.
Để thực hiện được mục tiêu này, ông Phạm Vũ Quốc Bình cho rằng, ngoài việc tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách, tăng quyền tự chủ cho các trường thì điều tiên quyết là phải tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp vào giáo dục nghề nghiệp, tăng cường đào tạo lại, đào tạo chuyển nghề, đào tạo thích ứng cho người đang hoạt động trong thị trường lao động.
“Mục tiêu biến các doanh nghiệp thành các cơ sở đào tạo giáo dục nghề nghiệp, triển khai công nhận trình độ kỹ năng cho người lao động. Người lao động có kỹ năng, được rèn luyện, có kinh nghiệm thì có cơ chế để công nhận trình độ của họ, dù họ đã qua trường lớp hay chưa qua trường lớp.” – ông Phạm Vũ Quốc Bình chia sẻ.
Nguồn từ Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp