DỰ BÁO 06 XU THẾ NỔI BẬT CỦA NGÀNH XÂY DỰNG VIỆT NAM 2019

1. Tăng trưởng chậm lại nhưng vẫn khả quan và triển vọng

Ngành xây dựng đã bắt đầu năm thứ 3 năm liên tiếp trong chu kỳ giảm tốc (kể từ năm 2016), tuy nhiên, tăng trưởng ngành trong năm 2018 vẫn đạt 8,02 %, cao hơn mức tăng GDP bình quân cả nước là 7,08%.

Xét về ngắn và dài hạn, ngành xây dựng vẫn đang có nhiều yếu tố thuận lợi, bao gồm:

  • Dân số khoảng 96tr người và độ tuổi trung bình 31, dân số trẻ vẫn chiếm ưu thế. Dân số cao dẫn đến nhu cầu về Nhà ở, về xây dựng hạ tầng vẫn tiếp tục tăng cao.
  • Tầng lớp trung lưu (thu nhập 7,000-70,000 USD/Năm) tiếp tục tăng nhanh, đạt con số 81,7% hộ gia đình tại Việt nam. Dự kiến tầng lớp này sẽ tăng trưởng thêm 19% trong năm 2019.
  • Môi trường pháp lý tiếp tục cải thiện. Luật Nhà ở cho phép cá nhân và doanh nghiệp nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam và nhu cầu văn phòng, co-working đang tăng mạnh mẽ tại các thành phố lớn

Kết quả điều tra mới nhất về xu hướng sản xuất kinh doanh ngành xây dựng của Tổng cục Thống kê cho thấy, có đến 60,4% doanh nghiệp xây dựng nhà các loại đánh giá thị trường xây dựng ổn định và thuận lợi hơn từ quý I/2019. Trong đó, doanh nghiệp ngoài nhà nước dự báo thị trường khả quan nhất với 59,8% doanh nghiệp đánh giá ổn định và thuận lợi hơn. Doanh nghiệp nhà nước là 57% và khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (doanh nghiệp FDI) là 58,9%...

Qua đó có thể thấy, bỏ qua 1 số khó khăn nhỏ do bước vào chu kỳ giảm tốc sau sự tăng đột phá giai đoạn 2015-2016, về ngắn hạn trong năm 2019 và dài hạn, ngành xây dựng vẫn rất sáng sủa và còn rất nhiều dư địa để tiếp tục phát triển và đột phá.
 

(Ảnh St)

2. Xây dựng công nghiệp sẽ tiếp tục đột phá so với các lĩnh vực xây dựng khác

Về lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, mặc dù nhu cầu vẫn rất lớn, mức chi về cơ sở hạ tầng hiện mới đạt 50% so với nhu cầu, tuy vậy, áp lực từ thâm hụt ngân sách khiến cho việc đầu tư vào lĩnh vực này bị hạn chế trong khi hình thức đầu tư có nguồn vốn tư nhân như BT, BOT… đang có 1 số bất cập nhất định.

Về Nhà ở, bất động sản đang đà giảm do chính sách tín dụng, kìm chế bong bóng bất động sản của Nhà nước. Đây cũng là hệ quả tất yếu sau thời gian tăng trưởng ồ ạt vừa qua.

Ngành xây dựng công nghiệp sẽ khả quan nhất so với những người anh em khác, dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2019. Các lợi thế của ngành xây dựng công nghiệp Việt Nam để đón đầu xu thế dịch chuyển từ Trung Quốc sang các nước đang phát triển khác là nguồn lao động dồi dào, chi phí nhân công cạnh tranh và chính trị ổn định.

3. Cạnh tranh ngày một gay gắt hơn

Xây dựng có thể coi là 1 ngành thuộc nhóm sản xuất. Tuy vậy đây lại là 1 ngành sản xuất đặc thù (sản xuất đơn chiếc), rào cản đầu vào thấp.

Nếu như các ngành sản xuất khác phải đầu tư khá nhiều cho nhà xưởng, kho bãi, máy móc thiết bị, công nghệ khi bắt đầu thì ngành xây dựng lại không có nhiều nhu cầu về Nhà xưởng, kho bãi (do có thể dùng ngay tại công trường thi công), máy móc thiết bị hầu hết có thể đi thuê mướn. Chính vì thế, lượng vốn đầu tư ban đầu bỏ ra không quá nhiều.

Ngoài ra, trình độ, công nghệ thi công của ngành xây dựng không có sự chênh lệch nhiều, chỉ khác biệt ở 1 số đơn vị đứng đầu và ở các công trình đặc thù như Nhà chiều cao lớn, số tầng hầm nhiều, cầu lớn, hầm, nhà máy điện các loại…

Do rào cản đầu vào thấp như vậy nên 1 kỹ sư hay 1 tổ đội sau thời gian đi làm thuê tích lũy kinh nghiệm và tài chính đều có thể mở công ty riêng và cạnh tranh với chính các công ty trước đó của mình.

Theo số liệu thống kê tính đến cuối năm 2017, số lượng doanh nghiệp xây dựng tại Việt Nam là khoảng 67,000 đơn vị. Đó là số lượng rất lớn và tiếp tục gia tăng trong năm 2018 và 2019. Số lượng doanh nghiệp tăng trong khi mức tăng sản lượng của ngành không theo kịp chính là nguyên nhân dẫn tới sự canh trang gay gắt.

Dự báo cạnh tranh trong đấu thầu sẽ tiếp tục “khốc liệt” trong năm 2019 này. Báo cáo của FPTS cho thấy các Nhà thầu chủ yếu cạnh tranh ở giá và khả năng thực thi, 2 việc này liên quan đến khả năng tài chính và năng lực quản lý dự án của đơn vị.

4. Giá nguyên vật liệu dự báo ổn định

Giá thép tiếp tục thuận lợi do mức cung từ Thép Trung Quốc, là 1 trong những hệ quả của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang diễn tiến.

Giá xi măng nội địa không tăng từ năm 2012 do ngành xi măng đang rất khó khăn, chủ yếu từ công suất thiết kế vượt khoảng 50% so với nhu cầu nội địa và chủ trương hạn chế xuất khẩu xi măng của Chính phủ Việt Nam

Ngoài thép và xi măng (vốn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguyên vật liệu xây dựng, lần lượt ở mức 60% và 20%), các nguyên vật liệu khác cũng được dự báo sẽ ổn định hoặc không quá biến động trong năm 2019.
 

(Ảnh st)

5. Xu thế Design and Build tiếp tục phát triển

Design and Build, tức là việc Nhà thầu vừa đảm trách công tác thiết kế vừa thi công, đã và đang là phương thức được sử dụng ưu tiên và phổ biến bởi hầu hết các Nhà thầu lớn tại Việt Nam.

Mô hình design-bid-build (thiết kế - đấu thầu- thi công) truyền thống với đội ngũ tư vấn cồng kềnh vốn trước đây có lợi thế khi trình độ thiết kế, trình độ thi công của Nhà thầu chưa cao. Nhưng sau khoảng 20 năm hội nhập quốc tế, các Nhà thầu Việt Nam đã tiếp thu rất nhanh các công nghệ và phương thức quản lý tiên tiến của thế giới. Việc nhận tổng thầu thiết kế thi công 1 công trình lớn với 1 công ty như Coteccons hay Hòa Bình hay 1 số Nhà thầu top khác vốn không thể kể hết tên trong bài viết này,  không còn là vấn đề xa lạ. Landmark 81 là minh chứng rõ ràng nhất chứng tỏ được vị thế của Nhà thầu Việt Nam.

Design and Build với những ưu điểm vượt trội như tiết kiệm thời gian triển khai dự án, tiết kiệm chi phí, xóa mờ dần sự xung đột giữa thiết kế và thi công, quản lý dự án, rút ngắn thời gian thi công chắc chắn sẽ là xu thế bền vững của năm 2019 cũng như tương lai.

6. Bắt đầu bùng nổ ứng dụng công nghệ vào thiết kế, thi công và quản lý dự án

Năm 2019 được dự báo có rất nhiều điểm nổ cho công cuộc xâm nhập của việc ứng dụng công nghệ vào thiết kế, thi công và quản lý dự án xây dựng

Các mô hình thông tin BIM như Revit, BIM 360, Tekla, Synchro… đang ngày 1 sử dụng rộng rãi vì nó vừa đẩy nhanh được công tác thiết kế, phối hợp giữa các bộ môn, lại giúp việc giảm được các xung đột thiết kế, hạn chế rủi ro khi thi công sau này. 

Trong thi công, mặc dù các công nghệ như AR (thực tế tăng cương), VR (thực tế ảo),  in 3D, giám sát qua Drone đang được các nước khác sử dụng nhưng sẽ cần thời gian 1 vài năm nữa để chúng có thể xâm nhập vào Việt Nam.

Tuy vậy, ở phương diện ứng dụng phần mềm vào quản lý dự án và thi công công trình, thì năm 2019 được dự báo là năm bắt đầu cho chu kỳ bùng nổ, vì các lý do sau đây

  • Cạnh tranh gay gắt giữa các Nhà thầu dẫn đến nhu cầu tất yếu của công cụ tăng năng suất, giảm thất thoát, giảm giá thành sản phẩm
  • Công nghệ mới với AI, Big Data hay Machine Learning đã trưởng thành để phục vụ được nhu cầu rất đặc thù của ngành xây dựng. Các công cụ quản lý dự án online, quản lý thi công, quản lý vật tư (như Procore ở nước ngoài hay SiteMAGE ở Việt Nam) đã và đang chứng minh được hiệu quả đối với các doanh nghiệp xây dựng.
  • Người dùng đã quen với việc sử dụng công nghệ, với hàng vài năm trời được "đào tạo" bởi các siêu ứng dụng như Facebook, Zalo. Dân xây dựng, dân công trường vốn trước đây có thể không quen với công nghệ, với điện thoại nhưng hiện nay câu chuyện đã khác. Chính vì thế,  việc áp dụng công nghệ vào doanh nghiệp vốn trước đây bị rào cản do nhân viên chưa sẵn sàng, thì nay đã thuận lợi hơn rất nhiều.

2019 có thể là 1 năm bản lề đánh dấu 1 bước chuyển biến lớn trong ngành về việc thay đổi cơ bản trong công tác thực thi dự án, bao gồm từ thiết kế đến thi công, và vận hành công trình. Những nhà thầu sớm thay đổi và chuyển mình và nắm được cơ hội mới sẽ vươn lên chiếm lợi thế.