Đổi mới công tác kiểm tra, giám sát của Đảng cần thực chất và hiệu quả
“Kiểm tra, giám sát là những chức năng lãnh đạo của Đảng”. Vai trò lãnh đạo của Đảng sẽ khó thành công nếu thiếu hoặc coi nhẹ hoạt động kiểm tra, giám sát. Thực tiễn chống tham nhũng vừa qua cho thấy sự cấp thiết phải đổi mới, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát của Đảng.
Ngày 7/6 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với ông Chu Ngọc Anh, ông Phạm Công Tạc, ông Nguyễn Thanh Long về những vi phạm khi thực thi công vụ. Việc khởi tố các cán bộ lãnh đạo, quản lý cao nhất cấp Bộ gợi nhớ con số hơn 131.000 đảng viên bị thi hành kỷ luật trong giai đoạn 2013-2020, trong đó có hơn 110 cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý. Về bản chất, cả ba lãnh đạo nêu trên đều đã "lệch chuẩn" - cụ thể là đã thực hiện những quyết định quản lý trái với quy định của Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước, đi ngược lại với lợi ích và mong đợi của nhân dân.
Vụ việc này cũng nhắc chúng ta nhớ lại nhận định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị công tác kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ đại hội XII (ngày 27/11/2020). Theo đó, khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên vẫn có nguy cơ gia tăng, phức tạp và nghiêm trọng hơn. Ngày 6/4/2022, trong Kết luận số 12-KL/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Bộ Chính trị đã chỉ ra thực tế là vẫn còn xảy ra những vụ vi phạm nghiêm trọng, có tổ chức, rất tinh vi và phức tạp. Kết luận số 34 của Bộ Chính trị, ban hành ngày 18/4/2022, về "Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030" cũng chỉ ra một trong những yếu tố có liên quan đến số vụ vi phạm gia tăng là hiện tượng cấu kết, bao che, tiếp tay của một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Tầm quan trọng của tiếp tục đổi mới hoạt động kiểm tra, giám sát
Khoản 1 Điều 30, Điều lệ Đảng cộng sản Việt Nam, thông qua tại Đại hội toàn quốc lần thứ XI, khẳng định "Kiểm tra, giám sát là những chức năng lãnh đạo của Đảng". Điều này có nghĩa vai trò lãnh đạo của Đảng sẽ khó thành công nếu thiếu hoặc coi nhẹ hoạt động kiểm tra, giám sát. Tuy nhiên, thực tế về những người đứng đầu, thậm chí cả ban lãnh đạo vi phạm, đang đặt ra rất nhiều thách thức cho công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng.
Tại hội nghị tổng kết về công tác kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ đại hội XII, nhận định về nguyên nhân dẫn đến những bất cập thời gian qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ ra tình trạng "chưa chủ động, thường xuyên, ráo riết, quyết liệt; tiến hành kiểm tra, giám sát còn mang tính hình thức, chiếu lệ, dẫn đến hiệu lực, hiệu quả thấp, chưa đủ sức răn đe… Công tác kiểm tra, giám sát trong các cơ quan của Nhà nước chưa được coi trọng đúng mức và còn yếu, kết quả chưa rõ". Đặc biệt, một số cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy chưa coi trọng đúng mức công tác kiểm tra, giám sát. Hậu quả việc coi nhẹ công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng là đã không kịp thời phát hiện những biểu hiện lệch lạc, khiến vi phạm từ bé trở thành to, từ ít nghiêm trọng trở thành nghiêm trọng.
Trước những bất cập nêu trên, "Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030" nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục đổi mới mô hình và hoạt động kiểm tra, giám sát. Theo đó, trước hết, chiến lược đề cao ý thức tự kiểm soát của mỗi cán bộ, đảng viên trong việc tuân thủ các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Cùng với đó, vai trò của công tác kiểm tra, giám sát trong nội bộ hệ thống tổ chức Đảng được đặc biệt coi trọng. Chủ trương này thể hiện qua ba đặc điểm nổi bật của các nhiệm vụ và giải pháp được đề ra, bao gồm: i) Đề cao vai trò của cấp ủy và trách nhiệm của người đứng đầu, ii) Coi trọng việc thể chế hóa chủ trương của Đảng về kiểm tra, giám sát; iii) Tinh gọn bộ máy tổ chức và nâng cao chất lượng cán bộ thực hiện kiểm tra, giám sát.
Thách thức lớn nhất từ việc nhấn mạnh vai trò của kiểm soát nội bộ hệ thống trong một cấu trúc quyền lực thống nhất là sự phụ thuộc rất lớn vào chất lượng cán bộ lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu. Nếu ban lãnh đạo và người đứng đầu nghiêm khắc, công tâm, và trách nhiệm thì công tác kiểm tra, giám sát sẽ được thực hiện tốt. Ngược lại, nếu người đứng đầu hay cả ban lãnh đạo có chất lượng kém, coi nhẹ công tác kiểm tra và giám sát, thậm chí can dự vào các vi phạm thì hoạt động kiểm tra, giám sát rất dễ bị hình thức, chiếu lệ, vô hiệu, thậm chí còn bao che cho sai phạm. Những trường hợp người đứng đầu vi phạm thời gian gần đây cho thấy tình trạng bị vô hiệu hóa của hoạt động kiểm tra, giám sát trong Đảng không còn chỉ là nguy cơ, mà đã xảy ra trên thực tế. Hậu quả là những cá nhân đứng đầu, thậm chí cả tập thể ban lãnh đạo bị kỷ luật.
Gợi mở điều chỉnh về mô hình và chính sách
Đặc điểm then chốt của hoạt động kiểm tra, giám sát trong Đảng ở nước ta hiện nay là đề cao cơ chế phản ứng theo chiều dọc nội bộ hệ thống cơ quan Đảng, tổ chức theo trật tự thứ bậc. Bất cập lớn nhất của kiểm tra, giám sát theo trục dọc hệ thống là nguy cơ bị chi phối bởi ý chí chủ quan của các cá nhân đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương. Điều này tạo ra những rủi ro cho hoạt động kiểm tra, giám sát, mà điển hình nhất là tình trạng thực hiện chiếu lệ, hình thức. Nghiêm trọng hơn là tình trạng bao che khi chính bản thân ban lãnh đạo và người đứng đầu can dự vào các vi phạm.
Cũng có nghĩa, gia tăng tính khách quan và độc lập cho công tác giám sát chính là điểm mấu chốt để tạo đột phá về chất lượng và hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng. Nói cách khác, chúng ta cần bổ sung và hoàn thiện thêm cơ chế giám sát theo chiều ngang, tức là các phản ứng đến từ bên ngoài mỗi cơ quan, đơn vị cụ thể. Để thực hiện được điều này, một số định hướng về mô hình tổ chức và chính sách có thể gồm:
Thứ nhất, thành lập cơ quan giám sát liên tổ chức, liên địa phương. Theo đó, những cơ quan, đơn vị liên quan đến nhau hoặc các địa phương trong một vùng có thể thành lập một cơ quan giám sát chung. Sự mở rộng quy mô tổ chức và đa dạng về nhân sự sẽ giúp giảm bớt khả năng chi phối của người đứng đầu và ê kíp lãnh đạo trong mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, nhờ đó gia tăng tính khách quan cho hoạt động kiểm tra, giám sát.
Thứ hai, thực hiện kiểm tra và giám sát chéo giữa các nhóm cơ quan, đơn vị, địa phương. Việc này nếu được thực hiện định kỳ hoặc đột xuất dựa trên nhu cầu và chỉ đạo của cấp trên thì sẽ tạo áp lực thường trực lên ban lãnh đạo tại mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương. Đồng thời, giám sát chéo cũng góp phần giảm bớt nguy cơ hình thức, chiếu lệ trong kiểm tra, giám sát nếu như chỉ thực hiện tại nội bộ cơ quan hay địa phương riêng lẻ.
Thứ ba, hoàn thiện điều kiện thể chế để truyền thông đại chúng, nhất là báo chí, phát huy hơn nữa khả năng giám sát công quyền cũng như tác phong, lối sống của cán bộ, đảng viên. Báo chí cần trở thành diễn đàn công cộng để sớm phát hiện các biểu hiện lạm quyền cũng như những lệch lạc trong quan điểm, thái độ, và cung cách ứng xử của cán bộ, đảng viên ở mọi cấp độ.
------
* Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
TS. Nguyễn Văn Đáng
BaoChinhphu.vn