Đoàn đại biểu Quốc hội Nghệ An thảo luận về gói phục hồi, kích thích nền kinh tế gần 350.000 tỷ đồng    


Đồng tình với việc ban hành các chính sách tài khóa, tiền tệ để phục hồi, phát triển nền kinh tế, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cũng đề nghị cần xây dựng các tiêu chí, nguyên tắc cho từng gói hỗ trợ, từng đối tượng phù hợp để khi thực hiện đạt hiệu quả cao.

Chiều 4/1, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV tiến hành thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì thảo luận tại Tổ đại biểu Nghệ An. Tham dự có đại biểu khách mời là lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.

Toàn cảnh phiên thảo luận tổ tại Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

GÓI PHỤC HỒI KINH TẾ GẦN 350.000 TỶ ĐỒNG
 

Chương trình có quy mô đủ lớn, tác động cả phía cung và phía cầu; có mục tiêu trọng tâm, trọng điểm, xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ để giải quyết những vấn đề cấp bách, tránh lãng phí nguồn lực gắn với trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và cấp ủy, chính quyền các cấp; 

Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội nêu rõ: Mục tiêu của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là nhằm khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5 - 7%/năm giai đoạn 2021-2025, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung và dài hạn. Thời gian thực hiện chủ yếu trong 2 năm (2022-2023) với lộ trình thích hợp để phục hồi và kích thích nền kinh tế.

Chương trình xác định khung những vấn đề trọng tâm, cần tập trung giải quyết, bao gồm 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với quy mô thực hiện dự kiến trong năm 2022-2023 như sau: Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh (60 nghìn tỷ đồng);  Bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm (53,15 nghìn tỷ đồng); Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (110 nghìn tỷ đồng); Phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển (113,85 nghìn tỷ đồng); Cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Ngoài ra, huy động từ các Quỹ tài chính ngoài ngân sách Nhà nước khoảng 10 nghìn tỷ đồng.

Ông Trịnh Thanh Hải - Cục trưởng Cục Thuế Nghệ An phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Thành Duy
 

Tại phiên thảo luận, ĐBQH và các đại biểu khách mới đã tập trung thảo luận nội dung các chính sách. Cục trưởng Cục Thuế Nghệ An cho biết, qua đánh giá các chính sách miễn, giảm thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí phải nộp cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sẽ giảm thu tại Nghệ An khoảng 1.100 tỷ đồng.

Trong bối cảnh khó khăn, cơ bản ủng hộ các chính sách trên, tuy nhiên, đối với việc chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang chịu mức 10% (còn 8%) trong năm 2022, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang có lợi thế phát triển là viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, ngành khai khoáng (không kể khai thác than), sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất, Cục trưởng Cục Thuế Nghệ An đề nghị cần nghiên cứu xem xét vì ảnh hưởng đối với ngân sách lớn nhưng tác dụng đối với người tiêu dùng quá nhỏ.

Ông Nguyễn Xuân Đức - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Thành Duy
 

Còn ông Nguyễn Xuân Đức -  Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Nghệ An được đầu tư các danh mục công trình với tổng số vốn 1.094 tỷ đồng. 

Trên cơ sở nghiên cứu, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất để Đoàn ĐBQH tỉnh kiến nghị Quốc hội bố trí thêm nguồn vốn để đầu tư 35 trạm y tế tuyến xã đã xuống cấp; Trung tâm Dịch vụ việc làm cơ sở số 2 ở thị xã Thái Hòa, hỗ trợ xây dựng TP. Vinh thành đô thị thông minh.

Giám đốc Sở Tài chính Nghệ An Nguyễn Xuân Hải nhận định, các chính sách tài khóa, tiền tệ Chính phủ trình Quốc hội có quy mô đủ lớn và tác động cung và cầu, đây được cho là mấu chốt rất quan trọng.

Trước tác động của các chính sách này khi được thông qua, Giám đốc Sở Tài chính Nghệ An cho biết sẽ tập trung rà soát lại các nhiệm vụ chi, đặc biệt trong chi thường xuyên, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm và tăng chi cho đầu tư phát triển, kích cầu và tăng trưởng.

Ông Nguyễn Xuân Hải - Giám đốc Sở Tài chính Nghệ An phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Thành Duy
 

Bà Nguyễn Thị Thu Thu - Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Nghệ An đề nghị làm rõ các điều kiện, tiêu chuẩn được hỗ trợ lãi suất để  các ngân hàng thực hiện kịp thời, không bị sai sót; đồng thời cần phân tích, dự báo được yếu tố lạm phát khi nguồn cung tiền thực hiện các chính sách hỗ trợ là rất lớn.

Cũng tại cuộc làm việc, lãnh đạo các sở GTVT, LĐ-TB&XH đã trao đổi các ý kiến liên quan đến các cơ chế, chính sách thuộc lĩnh vực phụ trách.

CẦN ĐẢM BẢO NGUYÊN TẮC, TIÊU CHÍ PHÙ HỢP
 

Phát biểu thảo luận, ĐBQH Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đề nghị cần bổ sung thêm quan điểm là tránh trục lợi chính sách; đồng thời cần phân tích thể hiện rõ tác động của các chính sách đến các đối tượng được thụ hưởng, cũng như đối với quốc gia.

Đại biểu Quốc hội Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Thành Duy

Đặc biệt, GS. TS Thái Văn Thành cũng cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ đủ tầm đối với thương mại, thị trường; khoa học - công nghệ và phát triển nguồn nhân lực; mặt khác, về các chính sách an sinh xã hội nên bổ sung thêm một số đối tượng để đảm bảo tính nhân văn, công bằng, động viên, khích lệ cho người lao động.

Bà Thái Thị An Chung - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn  ĐBQH tỉnh Nghệ An đồng tình với sự cần thiết ban hành chính sách liên quan để phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, theo đại biểu, chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang chịu mức 10% (còn 8%) trong năm 2022 có đối tượng thụ hưởng lại rộng song mức miễn rất thấp nên ý nghĩa không đáng kể, trong khi đó lại ảnh hưởng đến thu ngân sách nên cần xem xét.

Đại biểu Thái Thị An Chung đề xuất xem xét tăng các khoản phí, lệ phí đối với hoạt động chứng khoán để khuyến khích dòng tiền chuyển sang sản xuất, kinh doanh. 

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An Thái Thị An Chung phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Thành Duy
 

Kết luận phiên thảo luận, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý đánh giá, các ý kiến đều thống nhất với việc thực hiện các chính sách tài khóa, tiền tệ để tạo đà cho nền kinh tế phục hồi và bứt phá trong thời gian tới.

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cũng thống nhất, đồng tình với những trăn trở của các đại biểu bày tỏ thông qua thảo luận trong việc xây dựng các tiêu chí, nguyên tắc cho từng gói hỗ trợ, cho từng đối tượng cần phù hợp để các chính sách đi vào cuộc sống hiệu quả, hấp thụ được các nguồn lực, góp phần kích thích, phục hồi và phát triển nền kinh tế; cũng như các chính sách thuộc gói an sinh xã hội đến được các đối tượng thụ hưởng kịp thời.

Mặt khác, các chính sách mới cần được rà soát, có tính kế thừa, tiếp nối với các chính sách đã thực hiện, đang thực hiện để phát huy tối đa hiệu quả. 

Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên BCH Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HDND tỉnh Nghệ An kết luận phiên thảo luận tổ. Ảnh: Thành Duy
 

Mục tiêu của các chính sách tài khóa, tiền tệ đặt ra rất lớn và tập trung giải ngân trong vòng khoảng 2 năm nên cần tăng cường sự kiểm soát, giám sát chặt chẽ, tránh sai phạm, vi phạm, trục lợi chính sách. Các ý kiến trên của đại biểu sẽ được Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp gửi Quốc hội.

Phân tích các tác động của những chính sách tài khóa, tiền tệ đối với Nghệ An, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn  ĐBQH tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan phải chủ động nghiên cứu kỹ, chuẩn bị tâm thế đón đầu để sau khi được thông qua, Trung ương có hướng dẫn thì triển khai bài bản, hiệu quả trên địa bàn tỉnh Nghệ An. 

 

Thành Duy
Báo Nghệ An