Đi theo con đường CNXH, Việt Nam sửa chữa thành công khuyết điểm mà Liên Xô và Đông Âu vấp phải
Việt Nam đã từng bước sửa chữa những khuyết điểm, hạn chế do chủ quan, duy ý chí, nóng vội khi xây dựng CNXH mà Liên Xô và các nước Đông Âu trước đây đã vấp phải.
Cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội (CNXH) và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ra mắt bạn đọc tại Hà Nội, tập hợp 29 bài viết, bài phát biểu thể hiện tư tưởng xuyên suốt, nhất quán, kiên định và sự phát triển sáng tạo, hoàn thiện tư duy lý luận, nhận thức về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV.VN, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc – nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, cuốn sách của Tổng Bí thư khẳng định CNXH ở Việt Nam được phát triển trên nền tảng lý luận của Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, có cơ sở khoa học chứ không phải làm một cách vá víu, nhất thời.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc – nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh).
CNXH là con đường đúng đắn mà loài người sẽ đi tới
P.V: Thưa ông, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, nhất là sau khi Liên Xô sụp đổ, vì sao Việt Nam chúng ta vẫn kiên định con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã lựa chọn là đi lên CNXH?
Ông Nguyễn Trọng Phúc: Mô hình XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ không phải là sự cáo chung của CNXH. Bằng chứng là hiện nay nhiều nước vẫn kiên trì đi theo con đường CNXH, trong đó có Việt Nam.
Việt Nam đã từng bước sửa chữa những khuyết điểm, hạn chế do chủ quan, duy ý chí, nóng vội khi xây dựng CNXH mà Liên Xô và các nước Đông Âu trước đây đã vấp phải. Thực tế là Việt Nam đã sửa chữa thành công những hạn chế, khuyết điểm đó bằng đường lối đổi mới và tiếp tục kiên trì con đường xây dựng CNXH và giành được những thắng lợi lớn.
Xu hướng XHCN ở một số nước, như các nước ở khu vực Mỹ-Latinh họ vẫn mong muốn đi lên CNXH. Do đó, CNXH vẫn là một xu hướng, một chế độ chính trị, là con đường đúng đắn mà loài người sẽ đi tới như Cương lĩnh của Đảng ta đã xác định.
Từ những thành tựu của công cuộc đổi mới, Việt Nam đã và đang khẳng định CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam đã được nhận thức ngày càng sáng tỏ hơn, đang được hiện thực hóa bởi đường lối đổi mới, bởi Cương lĩnh (Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên CNXH năm 1991, sau này được bổ sung bằng Cương lĩnh năm 2011 ở Đại hội XI) với mục tiêu xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, do nhân dân làm chủ…
Lễ thượng cờ tại Quảng trường Ba Đình. Ảnh minh họa Vietnamplus
Cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tổng kết quá trình xây dựng CNXH trước đổi mới đã đạt được thành tựu gì và bộc lộ những ưu, khuyết điểm, hạn chế gì và Đảng ta đã sửa chữa như thế nào trong quá trình đổi mới từ năm 1986 đến nay. Hiện nay, có thể khẳng định công cuộc xây dựng CNXH ở Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất to lớn.
Từ tổng kết thực tiễn ấy, Tổng Bí thư khẳng định, nhận thức về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam ngày càng sáng tỏ cả về lý luận và thực tiễn; từng bước chúng ta đã xây dựng nền tảng lý luận của CNXH ở Việt Nam phù hợp với thực tiễn Việt Nam chứ không phải là mô hình áp đặt từ một nước nào khác.
Về mặt phương pháp luận khoa học, Việt Nam cũng khẳng định thực chất không có một mô hình CNXH nào chung cho tất cả các nước. Từ bản chất chung của CNXH hay nguyên tắc chung, quan điểm chung của Chủ nghĩa Mác-Lênin về CNXH, mỗi nước cần sáng tạo với điều kiện của mỗi nước.
Chính công cuộc đổi mới của nước ta đã thực hiện thành công chỉ dẫn của Bác, đó là tìm ra quy luật riêng, mô hình riêng, cách làm riêng và bây giờ chúng ta đã có hình hài về CNXH rất rõ, như trong tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tổng kết mô hình CNXH, trả lời những câu hỏi: CNXH là gì? Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường XHCN? Làm thế nào và bằng cách nào để từng bước xây dựng được CNXH ở Việt Nam? Từ nay đến khi CNXH được hoàn thành, chúng ta sẽ trải qua chặng đường như thế nào? Hình thức kinh tế - xã hội ra sao? Mô hình chế độ chính trị, kết cấu xã hội, giai cấp thế nào? Quan hệ đối ngoại, nội lực đất nước, quốc phòng, an ninh đất nước ra sao?... tất cả đã được định hình rất rõ.
Trong quá trình đi lên CNXH sẽ không tránh khỏi những sai lầm, khuyết điểm
P.V: Con đường đi lên CNXH mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đã chọn là con đường chưa có tiền lệ, không phải là một phép màu và sẽ đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Xin ông cho biết những khó khăn, thách thức đó là gì?
Ông Nguyễn Trọng Phúc: Đi đến CNXH là cả một quá trình lâu dài, xây dựng một xã hội hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ trong lịch sử, khác hẳn với các hình thái xã hội trước đây.
Trong khi đó, mô hình CNXH vấp phải sự phản kháng của các thế lực chống đối, phản động của chế độ cũ. Vì vậy, cũng không khó hiểu khi hiện nay có nhiều thế lực chống CNXH, chống cộng sản như vậy, mặc dù chúng ta xây dựng chế độ xã hội tốt đẹp, mang lại lợi ích, cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho đại đa số nhân dân chứ không mang lại lợi ích cho một nhóm người nào hay một cá nhân nào.
Vì chưa có tiền lệ trong lịch sử, cho nên Tổng Bí thư đã xác định trong tác phẩm đó là: Chúng ta vừa làm vừa rút kinh nghiệm, cái gì tốt, đã đúng, đã rõ thì phấn đấu, kiên định thực hiện cho được; cái gì chưa rõ thì tiếp tục tổng kết để làm rõ hơn những vấn đề bức thiết của con người, của nhân dân, từ đó thể hiện rõ hơn trong chính sách, pháp luật, trong các chủ trương cụ thể.
Trong quá trình thực hiện sẽ không tránh khỏi những sai lầm, khuyết điểm, kể cả sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ... Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật để khẳng định đó là những khuyết điểm, khó khăn để nâng cao giáo dục trong Đảng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng mạnh mẽ như thế nào để có Đảng chân chính cách mạng.
8 đặc trưng cơ bản về CNXH ở Việt Nam mà Đảng ta đã tổng kết, rút ra là một thành tựu phát triển sáng tạo lý luận riêng có của Đảng ta. Để thực hiện hóa mô hình đó, đòi hỏi cả một sự nghiệp lâu dài, gian khổ, phải đầu tư sức người, sức của to lớn, phải sáng tạo không ngừng nghỉ, đặc biệt là phải suy nghĩ, tìm tòi lộ trình và bước đi hợp lý, cách làm đúng đắn để giải quyết các nhiệm vụ đặt ra.
Cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Phản bác những quan điểm sai trái, phản động, phủ định CNXH
P.V: Cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có ý nghĩa đặc biệt như thế nào trong bối cảnh hiện nay, thưa ông?
Ông Nguyễn Trọng Phúc: Cuốn sách của Tổng Bí thư khẳng định CNXH ở Việt Nam được phát triển trên nền tảng lý luận của Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, có cơ sở khoa học của nó chứ không phải làm một cách vá víu, nhất thời.
Tác phẩm của Tổng Bí thư đã nâng trình độ khoa học, trình độ lý luận của Đảng ta lên tầm cao và nhận thức lý luận đó soi sáng, thúc đẩy quá trình xây dựng CNXH của nước ta hiện nay để đi đến đích cuối cùng mà Cương lĩnh năm 2011 đã xác định là đến giữa thế kỷ XXI, nước ta đạt được những mục tiêu cơ bản của CNXH, tức là xây dựng được về cơ bản nền tảng kinh tế của CNXH với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hóa phù hợp, tạo cơ sở để nước ta trở thành một nước XHCN ngày càng phồn vinh, hạnh phúc; Đại hội XIII của Đảng cũng đã xác định đến năm 2030 nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, phồn vinh, phát triển theo định hướng XHCN.
Quan điểm như trong Đại hội XIII của Đảng và Cương lĩnh đã nêu đang được hiện thực hóa những vấn đề lý luận của CNXH. Vì vậy, cuốn sách của Tổng Bí thư thống nhất được nhận thức trong toàn Đảng, từ cán bộ lãnh đạo cao nhất đến đảng viên bình thường về con đường đi lên CNXH, đồng thời cổ vũ toàn dân hướng tới mục tiêu CNXH, nhận thức rõ hơn cả về lý luận và thực tiễn.
Bên cạnh đó, cuốn sách của Tổng Bí thư đóng góp lớn cho phong trào cách mạng thế giới về lý luận CNXH. Đóng góp đó chính là từ thực tiễn phong phú, sâu rộng, có cơ sở khoa học trong quá trình đổi mới mà Việt Nam đã đúc rút, tổng kết. Các Đảng, phong trào cánh tả, những người nghiên cứu lý luận trên thế giới tìm thấy ở Việt Nam có sự đóng góp nhất định nhằm bảo vệ sự trong sáng của Chủ nghĩa Mác-Lênin, bảo vệ những vấn đề có tính lý luận, quan điểm về CNXH của Mác, Ăngghen đã đề cập.
Một ý nghĩa quan trọng khác, công trình của Tổng Bí thư đóng góp vào cuộc đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, phản động của các thế lực thù địch đang tìm cách phủ định CNXH và phủ định vai trò của các Đảng Cộng sản cầm quyền trên thế giới, trong đó có Đảng Cộng sản Việt Nam; góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta là Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ những giá trị khoa học, các học thuyết cách mạng của Mác, Ăngghen. Đồng thời cổ vũ các nước hiện nay đang kiên định đi theo con đường XHCN tiếp tục giữ vững niềm tin đi đến thắng lợi cuối cùng của CNXH.
P.V: Vâng, xin cảm ơn ông./.
Theo vov.vn