Liên tục có những cán bộ cấp cao bị kỷ luật, cho thôi chức, bị khởi tố trong thời gian qua cho thấy tinh thần quyết tâm cao độ của Đảng ta trong việc làm trong sạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương. Đảng lấy việc đấu tranh, kỷ luật để kịp thời cảnh tỉnh cán bộ, đảng viên biết cách giữ mình trong “nẻo chính đường ngay’’, để Đảng ta thực sự là Đảng của “đạo đức, văn minh” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong ước.
Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô giá của dân tộc, mãi soi sáng cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Nguồn: tuyengiao.vn
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Quy định số 144-QĐTW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong tình hình mới, với những tiêu chí rất cụ thể nhằm xây dựng một đội ngũ cán bộ, đảng viên có tinh thần yêu nước, tôn trọng Nhân dân, trung thành với Đảng, với Tổ quốc; có bản lĩnh, tinh thần đổi mới, sáng tạo, hội nhập; luôn cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; trung thực, thẳng thắn, khách quan, công tâm, tích cực đấu tranh tự phê bình và phê bình; trọng danh dự, không cơ hội, biết giữ gìn phẩm giá của người cán bộ, đảng viên.
“Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng vấn
đề giáo dục, rèn luyện đạo đức cho đội ngũ cán bộ đảng viên. Nhờ kiên trì nguyên tắc ấy mà hơn 9 thập kỷ lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn xứng đáng có được niềm tin của nhân dân, sống trong lòng dân, đồng hành cùng dân tộc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh mấy năm gần đây, có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ lãnh đạo cấp cao suy thoái đạo đức, lối sống, tự chuyển biến, tự chuyển hóa, xa rời mục tiêu lý tưởng, bị tiền tài quật ngã, dẫn đến vi phạm kỷ luật Đảng, tham nhũng và đã bị kỷ luật với nhiều hình thức khác nhau, bị khai trừ ra khỏi Đảng, bị truy tố trước pháp luật… cho thấy, hơn lúc nào hết, cần phải yêu cầu cao hơn nữa tinh thần tự giác rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên; đề cao tinh thần trọng danh dự, trách nhiệm lên trên hết trong quá trình thực thi nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao phó.
Nhìn lại nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt lớn xảy ra mấy năm gần đây như vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á; Tập đoàn FLC, Chuyến bay giải cứu, Công ty Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB; các vụ án trong lĩnh vực đăng kiểm; Công ty AIC. Rồi mới đây là vụ án tại Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Vụ án tại Tập đoàn Phúc Sơn, Tập đoàn Hưng Thịnh… chúng ta đều thấy có bóng dáng một số cán bộ lãnh đạo từ tỉnh, thành đến các bộ, ngành Trung ương.
Hội thảo khoa học cấp quốc gia về xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong thời kỳ mới. Nguồn: tuyengiao.vn
Dĩ nhiên là những bí thư, chủ tịch tỉnh; những bộ trưởng, thứ trưởng, vụ trưởng… hư hỏng ấy đã phải nhận kỷ luật và chịu sự trừng phạt đích đáng của pháp luật. Nhưng qua đó, cũng cho thấy mặt trận phòng, chống tham nhũng tiêu cực luôn là mũi tiến công trực diện, hiệu quả nhất, nhưng cũng đầy rẫy khó khăn, để có thể loại ra khỏi hàng ngũ lãnh đạo đất nước những thành phần thoái hóa biến chất, làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch vững mạnh hơn.
Với Quy định 144 vừa ban hành, Bộ Chính trị yêu cầu cán bộ, đảng viên nêu cao lòng tự trọng, trân quý danh dự, không cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, giữ gìn phẩm giá của người cán bộ, đảng viên, không để bị tác động lôi kéo, cám dỗ của tiêu cực. Không để gia đình, người thân và người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi; bảo vệ uy tín, danh dự của bản thân và tổ chức Đảng; Thực hiện việc từ chức khi không còn đủ khả năng, uy tín.
Hội nghị Trung ương lần thứ 9, khóa XIII. Ảnh: TTXVN
Từ Quy định 41-QĐTW “về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ” đến Quy định số 144-QĐTW, Bộ Chính trị đã tiến thêm một bước mang tính “mở đường” cho văn hóa từ chức trong Đảng và hệ thống chính trị. Mà cán bộ, đảng viên phải là những người đi đầu trong việc thực hiện quy định ấy. Bởi lẽ, một khi đã vướng vào tham nhũng, lệch lạc về tư tưởng, sa sút về phẩm hạnh, không còn giữ được sự uy nghiêm trong mắt người dân, nếu cứ tham quyền cố vị thì những cán bộ ấy chỉ là tảng đá cản đường, kìm hãm sự phát triển của đất nước mà thôi.
Chúng ta vừa trải qua những xáo trộn không mong muốn khi một số chức danh lãnh đạo chủ chốt của đất nước phải thay đổi giữa chừng vì một số cán bộ vi phạm kỷ luật Đảng. Vì vậy, đẩy mạnh việc xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong tình hình hiện nay là vô cùng quan trọng.
Hãy làm cho việc “có lên có xuống, có ra có vào” trở thành một lối hành xử bình thường, có văn hóa của người làm lãnh đạo, chứ không chỉ dừng lại ở những hiện tượng cá biệt mà tổ chức phải động viên “xin thôi”!
Xưa nay, từ chức đúng lúc là cách thể hiện bản lĩnh, trách nhiệm của đạo làm quan. Với cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, phải xác định “lên” hay “xuống” chức cũng đều là vì Dân, vì Đảng. Đó cũng là cách giúp cho Đảng ta ngày càng trong sạch hơn; đạo đức, văn minh hơn.
Theo Vân Thiêng (Báo Nghệ An)