Chính phủ: Phải tạo điều kiện cho người học nghề học liên thông nâng cao
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ LĐ-TB&XH tập trung đa dạng hóa phương thức đào tạo nghề dựa theo mô hình giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt gắn với khung trình độ quốc gia và thị trường lao động.
Nhân rộng các mô hình đào tạo, đào tạo lại nghề nghiệp
Ngày 25/5, Thủ tướng Chính phủ đã ra chỉ thị đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng Xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030.
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ LĐ-TB&XH tập trung đa dạng hóa phương thức đào tạo dựa theo mô hình giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt gắn với khung trình độ quốc gia và thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đẩy mạnh các hình thức đào tạo vừa làm vừa học, đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn để giúp người lao động, đặc biệt là lao động nông thôn, người khuyết tật, người nội trợ, người cao tuổi dễ dàng tiếp cận với giáo dục nghề nghiệp để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp.
Xây dựng và nhân rộng các mô hình đào tạo, đào tạo lại nghề nghiệp cho người lao động trong các doanh nghiệp, công ty; đào tạo nghề gắn với ngành nghề truyền thống, gắn với sản xuất, kinh doanh và đào tạo nghề ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng cho công nhân, người lao động.
Đôn đốc các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề; tăng cường chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến, chú trọng đào tạo lại, đào tạo thường xuyên lực lượng lao động.
Hướng dẫn các địa phương tạo điều kiện thuận lợi để Hội khuyến học các cấp tham gia các hoạt động đào tạo nghề nghiệp cho lao động nông thôn, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật và các đối tượng chính sách khác trong các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.
Chủ động rà soát và phối hợp chặt chẽ với Bộ GD&ĐT trong việc sửa đổi, bổ sung, thay thế các quy định có liên quan về giảng dạy văn hóa giáo dục phổ thông trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm tạo điều kiện cho người học vừa được học nghề vừa có cơ hội học tập liên thông nâng cao trình độ.
Tăng cường giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh
Trước đó, tại cuộc họp liên ngành, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh, Nghị quyết 29 của Trung ương, Luật Giáo dục năm 2019 và các văn bản của Đảng, nhà nước luôn nhất quán yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo theo hướng mở, liên thông giữa tất cả các cấp học, hình thức đào tạo, tạo điều kiện để học tập suốt đời. Đồng thời phải đảm bảo chất lượng dạy và học, tiệm cận với khung trình độ quốc tế.
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, những năm qua, công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS đã có nhiều thay đổi tích cực, số lượng học sinh tham gia học nghề tăng.
Bên cạnh đó, trong thực tiễn, vẫn còn những vướng mắc, bất cập đòi hỏi Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH và các cơ quan phối hợp thật chặt chẽ trên tinh thần bảo đảm lợi ích người học và tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời tháo gỡ, giải quyết trong thời gian tới để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và toàn xã hội tham gia đổi mới giáo dục.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu, đối với các vướng mắc do những quy định của pháp luật chưa đồng bộ cần tập trung giải quyết ngay theo thẩm quyền theo hướng vận dụng tối đa các quy định để giải quyết trước mắt, đồng thời đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật cho phù hợp.
Để khắc phục bất cập là nhiều cơ sở tổ chức dạy học nhưng theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019 thì không có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trong cuộc họp ngày 6/4 giải quyết vấn đề về giáo dục nghề.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo, các trường nghề tiếp tục được dạy chương trình GDTX cấp THPT.
Về lâu dài, để thực hiện tốt các quy định của Luật Giáo dục về việc khuyến khích các cơ sở GDNN, giáo dục đại học tham gia giáo dục thường xuyên (GDTX), Bộ LĐ-TB&XH, Bộ GD&ĐT cần có quy định, hướng dẫn để các cấp chính quyền căn cứ tình hình cụ thể trên địa bàn thực hiện giao thêm chức năng GDTX hoặc thực hiện sắp xếp các cơ sở GDTX hiện có nhằm phát huy tối đa điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ thầy cô giáo.
Đồng thời nghiên cứu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật để các cơ sở được dạy văn hóa chương trình văn hóa THPT thì đều có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận.
Về việc giảng dạy văn hóa THPT cho học sinh tốt nghiệp THCS vào học trong các cơ sở GDNN, theo kiến nghị của Bộ LĐ-TB&XH và Hiệp hội GDNN và nghề công tác xã hội Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ GD&ĐT khẩn trương ban hành văn bản quy định việc dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong các cơ sở GDNN theo đúng quy định tại khoản 4, điều 28 Luật Giáo dục 2019, khoản 4 Điều 33 Luật GDNN 2014, Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 và Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo điều kiện các cơ sở GDNN, giáo dục đại học, các tổ chức khác đủ điều kiện đều có trách nhiệm tham gia thúc đẩy GDTX theo đúng quy định của pháp luật. Đối với các cơ sở GDNN đã và đang tổ chức dạy chương trình GDTX cấp THPT được tiếp tục thực hiện.
Nguồn từ Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp