Xây dựng văn hóa Đảng


Trong quá trình hoạt động của mình, Đảng ta thường xuyên quan tâm công tác xây dựng Đảng. Tuy nhiên, việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng từ “Văn hóa trong Đảng” hay “Văn hóa Đảng” chưa được đề cập nhiều và hành động quyết liệt. Xây dựng văn hóa Đảng là để củng cố niềm tin của Nhân dân vào Đảng, góp phần bảo vệ sự sống còn của Đảng, của chế độ ta.
 
Xây dựng văn hóa Đảng ảnh 1
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Khi nói đến “Văn hóa trong Đảng” hay “Văn hóa Đảng”, điều quan trọng nhất là những giá trị văn hóa, phẩm chất mang tính văn hóa của một đảng cầm quyền.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng,… Mọi công tác của Đảng luôn luôn phải đứng về phía quần chúng. Phải đem tinh thần yêu nước và cần, kiệm, liêm, chính mà dạy bảo cán bộ, đảng viên và Nhân dân…”.(Hồ Chí Minh, Tuyển tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2002, t2 (1945-1954), trang 199-200).

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh/ Là ấm no độc lập, là hòa bình tự do,...”, “Ðảng ta vĩ đại, vì ngoài lợi ích của giai cấp, của Nhân dân, của dân tộc, Ðảng ta không có lợi ích gì khác”...

Dù Bác không nói lên khái niệm “Văn hóa Đảng”, nhưng có thể hiểu theo nghĩa rộng, đó là tất cả những giá trị, biểu hiện cái đẹp, cái cao quý trong lý tưởng, trong tư duy chính trị, trong phương thức lãnh đạo của tổ chức Đảng, tính tiền phong gương mẫu của mỗi đảng viên để phục vụ cho lợi ích của dân tộc, của Nhân dân.

Giá trị văn hóa Đảng được hình thành từ văn hóa truyền thống yêu nước, thương dân, cố kết cộng đồng, từ lý luận của chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, từ tấm gương sáng ngời của Lãnh tụ Hồ Chí Minh và hàng triệu cán bộ, đảng viên đã cống hiến, hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước.

Xây dựng văn hóa Đảng ảnh 2
Toàn cảnh Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Cũng vì vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng của giai cấp công nhân, của Nhân dân lao động, của dân tộc Việt Nam. Hiếm có nơi nào trên thế giới này, người ta nói và viết gọn: “Đảng ta” khi nói về Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong quá trình hoạt động, từ những lớp cán bộ, đảng viên đầu tiên – thế hệ vàng của cách mạng Việt Nam, đến lớp lớp cán bộ, đảng viên, hàng triệu người đã dấn thân, tiên phong trong các phong trào cách mạng với ý chí “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, “Quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, hy sinh cả tuổi xuân, cả tính mạng của mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Họ làm nên “Văn hóa đảng”. Đó là những tấm gương sáng ngời để mọi người tri ân, ngưỡng mộ, học tập, noi theo.

Phát triển kinh tế thị trường, hội nhập, bên cạnh những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, từ một số cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất đã tăng lên thành một bộ phận, rồi “một bộ phận không nhỏ” - đáng buồn là trong “bộ phận không nhỏ” ấy, có cả những cán bộ, đảng viên cao cấp, có cả những người từng là anh hùng, chiến sĩ thi đua, từng “vào sinh ra tử”, từng được mọi người quý trọng lại trở thành “giặc nội xâm”, vô cùng phức tạp và nguy hiểm.

Theo báo cáo của Ban Nội chính Trung ương, trong 10 năm qua, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức Đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó, có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó, có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ Đại hội XIII đến nay, đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó, có 8 Ủy viên, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, 20 sĩ quan cấp tướng trong LLVT.

Sự cám dỗ, hấp dẫn về vật chất, danh vọng đã làm cho họ suy thoái đạo đức, lối sống, lộng hành, cửa quyền, hách dịch, vô cảm với Nhân dân, thực chất là họ bị lệch chuẩn văn hóa. Chủ nghĩa cá nhân – cái “bệnh mẹ” đẻ ra các “bệnh con”, đã biến họ thành những con người thực dụng, tham lam, vụ lợi, bất chấp luân thường đạo lý, chà đạp lên nhân phẩm con người, họ làm hoen ố “Văn hóa Đảng” mà nhiều thế hệ đã dày công xây dựng. Họ trở thành kẻ thù của Nhân dân. Những vụ tham ô, thất thoát hàng nghìn tỷ đồng của các “đại án”, những vụ buôn bán thuốc ung thư giả, “giải cứu đại dịch”, “kit test Việt Á”,... là những ví dụ điển hình. Nhân dân vô cùng bất bình và căm giận.

Sự thất thoát về tiền của, tài nguyên đã và đang làm cho đất nước đã khó khăn càng khó khăn hơn. Nhưng hơn như vậy là mất niềm tin nghiêm trọng của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước là một hệ lụy vô cùng lớn, dai dẳng, khôn lường,...

Trong thực tế, một đảng cầm quyền của nước ta, các vụ tham nhũng, lãng phí lớn chỉ xảy ra ở những đảng viên, những đảng viên có chức, có quyền trong hệ thống chính trị. Một trong “bốn nguy cơ” mà Đảng từng cảnh báo từ Đại hội lần thứ VII ngày càng hiện hữu, diễn biến ngày càng nguy hơn, tinh vi hơn, phức tạp hơn. Có thể nói đã “đến độ”, đến “điểm nút”,... Nếu “vượt ngưỡng” sẽ là sự sống còn của Đảng, sự an nguy đối với chế độ!

Đi đôi với công cuộc chống tham nhũng, lãng phí, cần coi trọng việc xây dựng “Văn hóa Đảng”, “Văn hóa trong Đảng”. Đó là 2 mặt của “chống” và “xây”, làm cho cái đẹp, cái tươi tốt lấn át, đi đến loại bỏ cái xấu, cái ác. Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Thực hiện nghiêm các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương, chức vụ càng cao phải càng gương mẫu, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”. Vấn đề giáo dục đạo đức cách mạng, biểu dương gương sáng về đạo đức, đấu tranh phê phán với cái xấu cũng cần được thường xuyên coi trọng.

“Nhân dân ta có lòng nồng nàn yêu nước”. Trong công cuộc to lớn và khó khăn ấy, Đảng phải thực lòng, cầu thị, dựa vào dân mà xây dựng Đảng, phát động toàn dân tẩy chay những cán bộ thoái hóa, biến chất. Chỉ có Nhân dân vào cuộc, đồng lòng, chung sức, loại bỏ bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên hư hỏng thì việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng mới thành công. Nên chăng, cần có một nghị quyết chuyên đề về xây dựng văn hóa Đảng cầm quyền, tập trung quét sạch chủ nghĩa cá nhân, thật sự chí công, vô tư. Phải làm thật sự tập trung, rộng rãi, quyết liệt, không dừng lại ở nghị quyết thì mới thành công. Đảng vì dân, dân tin Đảng, dựa vào dân mà xây dựng Đảng cũng là nét độc đáo của “Văn hóa Đảng”!

Anh Đặng
Báo Nghệ An