Nhiều học sinh nhận biết được sức học của bản thân không theo nổi con đường đại học nên lựa chọn học nghề. Thế nhưng, các em vấp phải sự ngăn cản quyết liệt từ cha mẹ.

Phụ huynh "nặng" tâm lý ưa chuộng bằng cấp

Tại buổi tọa đàm trực tuyến "Ước mơ của con - Kỳ vọng của cha mẹ" do Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) vừa tổ chức, bà Nguyễn Phương Linh (Viện trưởng MSD) chia sẻ một thực tế là hiện rất nhiều phụ huynh quá kỳ vọng vào con rồi gây áp lực lớn cho con mình.

Trong chuỗi hội thảo với trẻ em thực hiện từ tháng 4/2021, MSD ghi nhận nhiều lời than phiền của các em học sinh về kỳ vọng của cha mẹ. Trong đó có một bạn nam ở Đắk Lắk chia sẻ: "Ba mẹ em tự ý sắp đặt tương lai của em. Em muốn học nghề nhưng ba mẹ lại muốn em học Đại học để phát triển bản thân. Em đã nói chuyện với ba mẹ rồi nhưng không khả quan".

Bà Phương Linh cho rằng: "Rất nhiều phụ huynh đặt áp lực vào con cái trong chuyện học tập, lựa chọn nghề nghiệp theo ý mình mà quên mất các con cũng có những suy nghĩ, mong muốn, ước mơ riêng".
 


Nhiều em học sinh yêu thích các nghề lao động trực tiếp trên máy móc chứ không đam mê nghiên cứu, lao động trí óc nên chọn các trường nghề.

Thạc sĩ Thái Thủy Chung, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh - Truyền thông trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành (TPHCM) cũng nhận định tâm lý trọng bằng cấp ở Việt Nam còn nặng nề, nhất là ở các phụ huynh. Điều này khiến công tác tuyển sinh của các trường nghề rất khó khăn.

"Qua quá trình tư vấn tuyển sinh có thể thấy hầu như phụ huynh nào cũng muốn con tốt nghiệp THPT rồi vào học ở một trường Đại học (ĐH) nào đó. Nhưng nếu học sinh nào cũng cố gắng vào ĐH bằng mọi giá, tương lai không có đủ vị trí việc làm, các em phải ứng tuyển vào những vị trí việc làm yêu cầu trình độ thấp hơn. Như vậy sẽ gây lãng phí cho cả gia đình và xã hội", thạc sĩ Thái Thủy Chung cho biết.

Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Đào tạo và Phát triển nhân lực, cho rằng: "Điều quan trọng nhất của các học sinh cuối cấp là phải cùng gia đình bàn bạc, quyết định thật chính xác việc chọn ngành nghề học, cấp bậc học (ĐH, CĐ hoặc trung cấp) và ngôi trường phù hợp nhất với chính bản thân".

Hướng con trẻ chọn nghề theo năng lực, sở thích bản thân

Theo ông Trần Anh Tuấn, lựa chọn ngành nghề để học sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tương lai nghề nghiệp và sự thăng tiến của bản thân sau này của một con người.

Ông nhắn nhủ đến các học sinh cuối cấp: "Nghề là bản thân lựa chọn. Mà đã lựa chọn thì chịu trách nhiệm học tập. Khi các em được học nghề yêu thích, các em sẽ học với mục tiêu phát triển cho chính bản thân mình!".

Theo vị chuyên gia nhân lực này, chỉ có được học ngành nghề mình yêu thích, học sinh mới phát huy hết được khả năng học tập của mình mà không bỏ cuộc giữa chừng lúc gặp khó khăn, hoặc học đối phó.

Và khi học thực sự, các em mới có được kỹ năng nghề giỏi, tạo dựng giá trị ngành nghề của mình và phát huy giá trị sức lao động khi làm việc.

Ông Tuấn giải thích: "Nhu cầu nguồn nhân lực tương lai cho phát triển kinh tế là rất nhiều. Tuy nhiên, ở bất cứ ngành nghề nào, ở trình độ nào đi nữa mà không có giá trị ngành nghề, giá trị sức lao động sẽ bị thị trường lao động loại bỏ".

"Giá trị sức lao động, giá trị ngành nghề không nằm trên tấm bằng, càng không phải được quy định bởi tên trường tốt nghiệp in trên tấm bằng. Khi gia nhập thị trường lao động thì kiến thức, kỹ năng sẽ quyết định sự thành công", Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Đào tạo và Phát triển nhân lực chia sẻ.

Cũng theo ông Trần Anh Tuấn, học nghề ngay từ khi tốt nghiệp THCS đang là xu thế vì có nhiều điểm lợi, tiết kiệm thời gian và chi phí học tập. Đồng thời, nhu cầu nhân lực có nghề của nền kinh tế ngày càng gia tăng, người học nghề dễ có công việc ổn định.

Nguyên nhân là dù ở các đô thị lớn như TPHCM thì nhu cầu nhân lực trình độ ĐH cũng chỉ chiếm tỷ lệ từ 18%-20% trong tổng cầu nhân lực. Ở các tỉnh thì tỷ lệ này còn thấp hơn, đều dưới 10%. Trong khi đó, nhu cầu nhân lực các trình độ nghề (sơ cấp, trung cấp, cao đẳng) thì luôn chiếm khoảng 65%-70%.
Nhu cầu nhân lực năm 2020 tại TPHCM theo cơ cấu trình độ chuyên môn năm 2020 (Ảnh: Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực TPHCM).

Bà Thái Thủy Chung cũng đồng tình: "Thực tế hiện nay đã có không ít người phải cất bằng ĐH để đi làm công việc lao động trực tiếp, hoặc làm những việc chỉ yêu cầu bằng trung cấp. Khi đó, thu nhập chưa chắc cao bằng các bạn học nghề, bởi các em không có lợi thế về tay nghề".
Tùng Nguyên gdnd.gov.vn