SỰ KIỆN LỊCH SỬ NGÀY 05/6/1911 VÀ BƯỚC NGOẶT LỊCH SỬ CÁCH MẠNG VIỆT NAM        

        Cách đây 110 năm, với ý chí, khát vọng cháy bỏng giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi ách nô lệ dưới chế độ thực dân, phong kiến, ngày 5/06/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành – lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước. Hành trình của Người đã mở ra những mốc son rực rỡ nhất trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam và để lại nhiều bài học sâu sắc về mặt đạo đức, trí tuệ, đấu tranh và niềm tin lạc quan cách mạng.
         Nguyễn Tất Thành được sinh ra và lớn lên trong giai đoạn lịch sử đầy biến động của đất nước. Nhiều cuộc khởi nghĩa, đấu tranh anh dũng, bất khuất để giành độc lập cho dân tộc đều lần lượt thất bại, phong trào cứu nước của nhân dân ta lâm vào khủng hoảng sâu sắc về đường lối. Chứng kiến cảnh nước mất nhà tan, Nguyễn Tất Thành sớm hun đúc hoài bão cứu nước cứu dân.
         Sự thất bại của các phong trào yêu nước Việt Nam nổ ra từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đã làm cho cách mạng Việt Nam khủng hoảng về con đường giải phóng dân tộc. Người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã sớm nhận thấy con đường do những người đi trước mở ra sẽ không giải phóng được dân tộc. Việc không lặp lại thất bại của những người đi trước là một điều khó khăn nhưng tìm ra con đường mới phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử để dân tộc dành được độc lập, tự do là một điều còn khó khăn hơn rất nhiều lần.
        Ngày 05/6/1911, trên con tàu Amiral Latouche Treville, từ Cảng Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành đã rời tổ quốc, bắt đầu cuộc hành trình 30 năm tìm đường giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Với sự nhạy cảm đặc biệt, Nguyễn Tất Thành không đi sang nước Nhật, không tìm về Châu Á mà Người sang nước Pháp, đến tận nơi nước đang cai trị đất nước mình, đến tận Châu Âu, nơi đang có sự phát triển vượt bậc về kinh tế, về văn hóa, về chính trị để tìm hiểu xem người ta làm như thế nào rồi trở về cứu giúp đồng bào. Bác ra đi, hành trang chỉ là lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, quyết tâm tìm ra con đường cứu nước cứu dân.
 
        Bến cảng Nhà Rồng - Nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Ảnh: tư liệu
         Gần mười năm, vừa lao động kiếm sống vừa khảo sát thực tiễn nhiều nước tư bản và các nước thuộc địa, khảo sát các cuộc cách mạng ở các nước Pháp, Anh, Mỹ… Nguyễn Tất Thành đã có nhận thức quan trọng: Cách mạng tư sản là những cuộc cách mạng vĩ đại, nhưng là những cuộc cách mạng chưa đến nơi. Nó đã phá tan gông xiềng phong kiến cùng những luật lệ hà khắc và những ràng buộc vô lý để giải phóng sức lao động của con người. Cách mạng tư sản xây dựng lên một chế độ mới tiến bộ hơn xã hội phong kiến, nhưng cách mạng xong rồi dân chúng vẫn khổ, vẫn bị áp bức, bóc lột. Từ đó, Người đi đến kết luận: Chúng ta đổ xương máu để làm cách mạng thì không đi theo con đường cách mạng này. Nguyễn Tất Thành đã tìm ra những mặt trái của xã hội phương tây: “Ở đâu cũng có người nghèo khổ như xứ sở mình” do ách áp bức bóc lột dã man, vô nhân đạo của bọn thống trị. Điều đó đã giúp Người có nhận thức quan trọng: Nhân dân lao động trên toàn thế giới cần đoàn kết lại để đấu tranh chống kẻ thù chung là giai cấp thống trị, cùng nhau thực hiện nguyện vọng chung là độc lập, tự do.
        Sớm nhận thức được xu thế phát triển tất yếu của lịch sử và tính chất của thời đại mới mà Cách mạng tháng Mười Nga mở ra, Người đã khám phá ra chân lý “Chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”.
        Năm 1917, Nguyễn Ái Quốc trở về Pháp, sống ở Paris, Người tham gia hoạt động trong phong trào của những người Việt Nam yêu nước tại Pháp. Đầu năm 1919, Nguyễn Tất Thành tham gia Đảng Xã hội Pháp. Ngày 18/6/1919, với tên Nguyễn Ái Quốc, Người thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp gửi bản yêu sách tới Hội nghị Vec xây (Pháp) yêu cầu về quyền tự do, dân chủ, bình đẳng dân tộc cho nhân dân An Nam. Tám yêu cầu trong bản yêu sách không được chấp nhận nhưng đã vạch trần bản chất giả dối của các cường quốc thống trị, đồng thời cũng đem lại cho Nguyễn Ái Quốc một nhận thức tỉnh táo là các dân tộc muốn được giải phóng chỉ có thể dựa vào sức lực của bản thân mình.
 
         Năm 1920, Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội lần thứ 18 Đảng xã hội Pháp ở thành phố Tours với tư cách Đại biểu Đông Dương. Ảnh: tư liệu
         Sau nhiều năm bôn ba khắp năm châu bốn biển để tìm con đường cứu nước, Người đã tìm được và đi theo con đường cách mạng vô sản của Chủ nghĩa Mác – Lênin. Từ những hoạt động thực tiễn và đọc Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lê - nin đăng trên báo Nhân đạo tháng 7/1920, Người đã đến với Chủ nghĩa Mác – Lê nin. Luận cương đã giải đáp cho Nguyễn Ái Quốc những băn khoăn về con đường giành độc lập, tự do cho dân tộc, trả lời câu hỏi ai là người lãnh đạo, lực lượng tham gia và mối quan hệ giữa cách mạng giải phóng ở các nước thuộc địa với cách mạng vô sản ở chính quốc…
         Sau khi tìm ra con đường đúng đắn để giải phóng dân tộc, Nguyễn Ái Quốc đã tập trung mọi nỗ lực để truyền bá Chủ nghĩa Mác – Lê nin trong phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị những tiền đề về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của một đảng cách mạng tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam. Người chỉ ra rằng, trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, con đường duy nhất phải theo là con đường cách mạng dân tộc dân chủ do đảng tiên phong của giai cấp công nhân lãnh đạo đánh đổ đế quốc, thực dân, giành độc lập dân tộc, sau đó tiến lên thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa.
         Độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội là sự vận dụng sáng tạo học thuyết Mác – Lê nin, thể hiện tính quy luật của sự phát triển lịch sử của xã hội Việt Nam, trở thành quan điểm xuyên suốt trong toàn bộ tư tưởng và sự nghiệp cách mạng của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh. Đó chính là “Đường cách mệnh” cho dân tộc ta mà Người đã chọn.
        Dưới ánh sáng của Tư tưởng Hồ Chí Minh, bao thế hệ người Việt Nam luôn vững bước trên con đường mà Người đã chọn. Đó là con đường của độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, con đường mang tầm nhìn vượt thời gian đưa đất nước và dân tộc ta vượt qua biết bao khó khăn, thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, thực hiện công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, từng bước tiến lên “sánh vai với các cường quốc năm châu”, thực hiện dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
 
Tháng 6/2021