Những chính sách giáo dục có hiệu lực từ tháng 5

       Một loạt quy định quan trọng trong giáo dục và đào tạo sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 5 này.

       Từ ngày 3/5, Quy chế đào tạo trình độ đại học do Bộ GD-ĐT ban hành (kèm theo Thông tư số 08/2021/TT-BGDĐT) sẽ có hiệu lực. Theo Quy chế này, một số quy định mới sẽ được áp dụng đối với các khóa tuyển sinh sau ngày thông tư có hiệu lực thi hành. Đó là:

       Không thực hiện liên kết đào tạo với các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề

       Theo Điều 5 Quy chế đào tạo trình độ đại học, liên kết đào tạo chỉ thực hiện đối với hình thức vừa làm vừa học theo quy định tại khoản 22 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và theo quy định về tại khoản 2, khoản 3 Điều 5 Quy chế này. Tuy nhiên, các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề không được thực hiện việc liên kết đào tạo.

       Ngoài ra, cơ sở chủ trì đào tạo phải đáp ứng các yêu cầu tối thiểu như: Chương trình đào tạo dự kiến liên kết đào tạo đã được tổ chức thực hiện tối thiểu 3 khoá liên tục theo hình thức chính quy; từ khóa tuyển sinh năm 2024 yêu cầu chương trình đào tạo đã được công nhận đạt chuẩn chất lượng theo quy định hiện hành; Bảo đảm đội ngũ giảng viên cơ hữu giảng dạy tối thiểu 70% nội dung, khối lượng chương trình đào tạo…  

Những chính sách giáo dục có hiệu lực từ tháng 5
 


         Sinh viên hệ chính quy được học trực tuyến 30% khối lượng chương trình đào tạo

        Theo Điều 7 Quy chế đào tạo trình độ đại học mới ban hành, mỗi học kỳ, sinh viên phải đảm bảo khối lượng học tập tối thiểu không ít hơn 2/3 khối lượng trung bình một học kỳ theo kế hoạch học tập chuẩn; tối đa không vượt quá 3/2 khối lượng trung bình một học kỳ theo kế hoạch học tập chuẩn.

        Đặc biệt, đối với đào tạo theo hình thức chính quy và vừa làm vừa học, tối đa 30% tổng khối lượng của chương trình đào tạo được thực hiện bằng lớp học trực tuyến. Trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh phức tạp và các trường hợp bất khả kháng khác, cơ sở đào tạo thực hiện theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.

       Giảm 1 bậc hạng tốt nghiệp đối với sinh viên có điểm trung bình tích lũy loại giỏi, xuất sắc mà đã học lại quá 5% tổng số tín chỉ

       Theo quy định, những sinh viên đủ điều kiện tốt nghiệp được hiệu trưởng cơ sở đào tạo ra quyết định công nhận tốt nghiệp và cấp bằng tốt nghiệp trong thời hạn 3 tháng tính từ thời điểm sinh viên đáp ứng đầy đủ điều kiện tốt nghiệp và hoàn thành nghĩa vụ với cơ sở đào tạo.

       Hạng tốt nghiệp được xác định căn cứ vào điểm trung bình tích lũy toàn khoá. Trong đó, hạng tốt nghiệp của sinh viên có điểm trung bình tích lũy loại xuất sắc và giỏi sẽ bị giảm đi một mức nếu thuộc một trong các trường hợp sau: Khối lượng của các học phần phải học lại vượt quá 5% so với tổng số tín chỉ quy định cho toàn chương trình; Sinh viên đã bị kỷ luật từ mức cảnh cáo trở lên trong thời gian học.

       4 trường hợp sinh viên được bảo lưu kết quả học tập

       Căn cứ Điều 15 Quy chế đào tạo trình độ đại học, sinh viên được xin nghỉ học tạm thời và bảo lưu kết quả đã học trong các trường hợp sau: Được điều động vào lực lượng vũ trang; Được cơ quan có thẩm quyền điều động, đại diện quốc gia tham dự các kỳ thi, giải đấu quốc tế; Bị ốm, thai sản hoặc tai nạn phải điều trị thời gian dài có chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế; Vì lý do cá nhân khác nhưng đã phải học tối thiểu 1 học kỳ ở cơ sở đào tạo và không thuộc các trường hợp bị xem xét buộc thôi học hoặc xem xét kỷ luật.

       Người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông quyết định hình thức tổ chức dạy học trực tuyến hỗ trợ dạy học trực tiếp tại trường

       Từ ngày 16/5, Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT do Bộ GD-ĐT ban hành quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên sẽ có hiệu lực.

       Thông tư này quy định người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông quyết định hình thức tổ chức dạy học trực tuyến hỗ trợ dạy học trực tiếp tại trường. Tổ chức dạy học trực tuyến thay thế dạy học trực tiếp tại cơ sở giáo dục phổ thông trong thời gian học sinh không đến trường để học tập vì lý do bất khả kháng.

Những chính sách giáo dục có hiệu lực từ tháng 5
 


       Thông tư quy định việc kiểm tra, đánh giá trong dạy học trực tuyến của học sinh được thực hiện thường xuyên, trong quá trình dạy học. Kiểm tra, đánh giá định kỳ kết quả học tập trực tuyến của học sinh được thực hiện trực tiếp tại cơ sở giáo dục phổ thông.

       Trường hợp học sinh không thể đến cơ sở giáo dục phổ thông tại thời điểm kiểm tra, đánh giá định kỳ vì lý do bất khả kháng, việc tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ được thực hiện bằng hình thức trực tuyến.

       Đào tạo chứng chỉ sư phạm chính thức trở lại sau 7 năm tạm dừng

       Theo Thông tư Ban hành chương trình và thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ cho người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp có nguyện vọng trở thành giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông do Bộ GD-ĐT ban hành, bắt đầu từ ngày 22/5, các cơ sở được đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lại.

Những chính sách giáo dục có hiệu lực từ tháng 5
     Tỷ lệ thừa, thiếu giáo viên các cấp học năm 2020


       Cụ thể, việc đào tạo chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm để trở thành giáo viên tiểu học sẽ chỉ áp dụng với những người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp với các môn học âm nhạc, mỹ thuật, tin học, công nghệ, giáo dục thể chất, ngoại ngữ. Đây cũng là những môn học đang thiếu giáo viên ở bậc tiểu học để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. 

       Việc đào tạo chứng chỉ cho người có nguyện vọng trở thành giáo viên trung học cơ sở và trung học phổ thông là những người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp với một trong số các môn của cấp học của cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông.

       Trước đó, năm 2014, Bộ GD-ĐT đã ra quyết định về việc tạm dừng cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Việc tiếp tục đào tạo bồi dưỡng chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dựa trên đề nghị của Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục nhằm bổ sung đội ngũ giáo viên cho ngành.

       Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tính đến cuối năm 2020, cả nước còn thiếu gần 90.000 giáo viên ở tất cả các bậc học, từ mầm non đến tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.

       Trách nhiệm, quyền hạn của giáo viên khi thực hiện dân chủ trong hoạt động giáo dục

       Chính phủ ban hành Nghị định 24/2021/NĐ-CP ngày 23/3/2021 quy định việc quản lý trong cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông công lập.

       Theo đó, quy định trách nhiệm và quyền hạn của giáo viên, nhân viên, người lao động trong cơ sở giáo dục như sau:

- Tham gia xây dựng và thực hiện kế hoạch tuyển sinh, kế hoạch giáo dục của nhà trường, kế hoạch quản lý tài chính, tài sản, tổ chức bộ máy và nhân sự của cơ sở giáo dục theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.

- Tham gia tổ chức tuyển sinh, tổ chức hoạt động giáo dục, quản lý tài chính, tài sản, tổ chức bộ máy và nhân sự của cơ sở giáo dục theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.

- Tham gia giám sát việc tổ chức tuyển sinh, tổ chức hoạt động giáo dục, quản lý tài chính, tài sản, tổ chức bộ máy và nhân sự của cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật.

- Thực hiện trách nhiệm và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

       Nghị định 24/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/5/2021.

Nguồn từ Vietnamnet