Theo đó, kể từ ngày 01/01/2020, thực hiện thu BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN theo mức lương tối thiểu vùng quy định tại Nghị định số 90/2019/NĐ-CP ngày 15/11/2019 của Chính phủ, cụ thể như sau:
 

1.1. Kể từ ngày 01/01/2020, áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 90/2019/NĐ-CP là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường và công việc giản đơn nhất, cụ thể:

- Mức 3.430.000 đồng/tháng/người áp dụng đối với các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò, các huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên (vùng III);

- Mức 3.070.000 đồng/tháng/người áp dụng đối với các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn các huyện, thị xã còn lại thuộc tỉnh Nghệ An (vùng IV).
 

1.2. Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn nào thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định tại địa bàn đó.
 

1.3. Đối với người lao động làm công việc đòi hỏi đã qua học nghề, đào tạo nghề quy định tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 90/2019/NĐ-CP của Chính phủ, thì tiền lương ghi trên hợp đồng lao động thấp nhất phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng.


Ví dụ 1: Bà Nguyễn Thị A, có chức danh nghề là “Công nhân sản xuất đồ chơi”, trụ sở của đơn vị đóng tại địa bàn huyện Diễn Châu (vùng IV), chức danh nghề của bà A được xác định là phải qua đào tạo, vậy tiền lương tối thiểu làm căn cứ đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN của bà A là:
3.070.000 đồng x (1 + 7%) = 3.284.900 đồng.
 

1.4. Đối với người lao động làm công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5%; công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.
 

Ví dụ 2: Bà Trịnh Thị H, có chức danh nghề là “Công nhân vận hành máy may công nghiệp”, trụ sở của đơn vị đóng tại địa bàn thành phố Vinh (vùng III), chức danh nghề của bà H được xác định là phải qua đào tạo và làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (điều kiện lao động loại IV theo Quyết định số 1629/LĐTBXH-QĐ ngày 26/12/1996 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), vậy tiền lương tối thiểu làm căn cứ đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN của bà H là:
3.430.000 đồng x (1 + 7%) x (1 + 5%) = 3.853.605 đồng.

Ví dụ 3: Ông Trần Văn C, có chức danh nghề là “Công nhân kích kéo lắp dầm thép trên cao”, trụ sở của đơn vị đóng tại địa bàn thành phố Vinh (vùng III), chức danh nghề của ông C được xác định là phải qua đào tạo và làm việc trong điều kiện đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (điều kiện lao động loại V theo Quyết định số 1629/LĐTBXH-QĐ ngày 26/12/1996 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), vậy tiền lương tối thiểu làm căn cứ đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN của ông C là:
3.430.000 đồng x (1 + 7%) x (1 + 7%) = 3.927.007 đồng.

1.5. Chậm nhất đến ngày 28/02/2020, đề nghị các đơn vị sử dụng lao động hoàn thành việc điều chỉnh mức tiền lương đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN cho người lao động theo mức lương tối thiểu vùng năm 2020 với cơ quan BHXH trực tiếp quản lý.
   
Quá thời gian nên trên, nếu đơn vị chưa lập hồ sơ điều chỉnh, cơ quan BHXH sẽ tạm thời điều chỉnh mức tiền lương đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN bằng mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc giản đơn và cộng thêm 7% đối với người lao động làm công việc đã qua đào tạo cho đến khi đơn vị sử dụng lao động lập hồ sơ điều chỉnh mức lương tham gia theo quy định.

1.6. Cơ quan BHXH chỉ thực hiện xác nhận quá trình tham gia BHXH, BHTN và giải quyết chế độ cho người lao động sau khi đơn vị sử dụng lao động thực hiện điều chỉnh mức đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN cho người lao động theo mức lương tối thiểu vùng nêu trên. Mọi trường hợp chậm trễ làm ảnh hưởng đến việc giải quyết chế độ cho người lao động, đơn vị sử dụng lao động hoàn toàn chịu trách nhiệm.

2. Về cấp thẻ BHYT năm 2020:

2.1. Cơ quan BHXH thực hiện gian hạn thẻ BHYT năm 2020, không in thẻ BHYT mới đối với những trường hợp thẻ BHYT không thay đổi thông tin, in Danh sách cấp thẻ BHYT (Mẫu D10a-TS) để chuyển trả đơn vị sử dụng lao động, đơn vị quản lý đối tượng tham gia BHYT; người tham gia tiếp tục sử dụng thẻ BHYT đã được cấp theo mã số BHXH khi đi khám chữa bệnh.

2.2. Cơ quan BHXH chỉ thực hiện cấp thẻ BHYT mới đối với những trường hợp chưa được cấp thẻ theo mã số BHXH và do thay đổi thông tin in trên thẻ BHYT: họ tên, ngày tháng năm sinh, loại đối tượng, mã hưởng, thay đổi nơi khám chữa bệnh, thời điểm đủ 5 năm liên tục.

2.3. Để cơ quan BHXH có cơ sở cấp và gia hạn thẻ BHYT năm 2020 cho người lao động, đề nghị đơn vị chốt số liệu danh sách người tham gia BHXH trước ngày 22/12/2019 và hoàn thành việc trích nộp BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN năm 2019 trước ngày 25/12/2019. Trường hợp đến ngày 31/12/2019 đơn vị còn nợ quỹ BHYT, cơ quan BHXH tạm thời chưa gia hạn thẻ BHYT năm 2020, trong thời gian thẻ BHYT của người lao động không có giá trị sử dụng khi đi khám chữa bệnh do đơn vị không đóng BHYT, đơn vị phải chịu trách nhiệm theo quy định tại Khoản 3, Điều 49, Luật số 46/2014/QH13 ngày 13/6/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT (phải hoàn trả toàn bộ chi phí cho người lao động trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT mà người lao động đã chi trả trong thời gian thẻ BHYT chưa được gia hạn do đơn vị còn nợ tiền BHYT).

         Nguồn: Phòng Quản lý Thu - BHXH Nghệ An
 http://nghean.bhxh.gov.vn/vi/bhxh-nghe-an-huong-dan-thuc-hien-dong-bhxh-bhyt-bhtn-bhtnld-ssn1433.html