Chiến thắng Phát xít Đức là “Thiên anh hùng ca chói lọi nhất trong Thế kỷ XX”

     Vào ngày này 77 năm về trước, ngày 09/5/1945 mãi mãi đi vào lịch sử nhân loại khi cuộc chiến chống chủ nghĩa Phát xít kết thúc với chiến thắng vang dội của Hồng quân Liên Xô và các nước Đồng minh, tạo tiền đề quan trọng chấm dứt Chiến tranh Thế giới thứ II, giúp loài người thoát khỏi thảm họa diệt vong.
 
Các chiến sĩ Hồng quân Liên Xô vui mừng chiến thắng tại Berlin, ngày 09/5/1945, sau khi Đức chính thức ký tuyên bố đầu hàng Liên Xô và các nước Đồng minh. Ảnh: Tư liệu

     Với ý nghĩa hào hùng, mang tính thời đại đó, ngày này hằng năm trở thành Ngày Chiến thắng của tất cả các dân tộc yêu chuộng hòa bình, tự do và công lý; ngày tưởng nhớ, tri ân những người đã chiến đấu, hy sinh vì lý tưởng bảo vệ Tổ quốc.

      Để có được thắng lợi huy hoàng trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, đất nước, nhân dân và Quân đội Liên Xô trước đây đã phải chấp nhận những tổn thất nặng nề nhất, “với 27 triệu người con Xô-viết anh dũng hy sinh, 30 triệu người bị thương trong các trận chiến đấu, hàng chục triệu trẻ em mồ côi, phụ nữ góa bụa, người tàn tật, nghĩa là bằng 20 lần so với thiệt hại về người của cả Anh và Mỹ cộng lại; trên 70.000 thành phố, làng mạc, công xưởng và xí nghiệp, nông trường quốc doanh và nông trang tập thể bị phát-xít Hít-le cướp bóc, thiêu hủy, toàn bộ nền công nghiệp miền Nam của Liên Xô bị tàn phá...”
      Có thể nói, cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Xô – viết là cuộc chiến tàn khốc nhất trong thế kỷ XX. Với biết bao gian khổ, hy sinh, mất mát của những chiến sỹ Hồng quân Liên Xô trên chiến trường và những người lao động quên mình ở hậu phương đã góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại trong lịch sử nhân loại. Họ không chỉ cùng nhiều dân tộc kiên cường đấu tranh chống kẻ thù chung đe dọa sự sống còn của toàn thể nhân loại là chủ nghĩa Phát-xít mà còn hậu thuẫn, tạo điều kiện khách quan để các dân tộc bị áp bức trên thế giới đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc, giành quyền tự do, độc lập cho dân tộc mình.
 
Xe Tăng Liên Xô trên đường phố Berlin vừa được giải phóng, ngày 01/5/1945. Ảnh: Tư liệu

      Cùng với nhân dân Xô – viết và nhân loại toàn thế giới trong sự nghiệp đấu tranh chống chủ nghĩa Phát-xít, nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng Cộng sản Đông Dương đã từng bước chuyển hướng đấu tranh từ đòi quyền dân chủ, dân sinh sang trực tiếp đánh đổ đế quốc, phong kiến, giành lại độc lập, tự do cho đất nước. Sau khi Quân đội Nhật vào Đông Dương (22/9/1940), đặt nhân dân ta vào cảnh áp bức “một cổ hai tròng”, từ ngày 06 đến ngày 09/11/1940, Hội nghị Trung ương 7 của Đảng Cộng sản Đông Dương được triệu tập và chỉ rõ: “Một cao trào cách mạng nhất định sẽ nổi dậy. Đảng phải chuẩn bị để gánh lấy sứ mệnh thiêng liêng lãnh đạo các dân tộc bị áp bức Đông Dương vũ trang giành lấy quyền tự do, độc lập”. Thực tế, nhiều cuộc khởi nghĩa liên tiếp nổ ra, như: Bắc Sơn, Nam Kỳ, Đô Lương… báo hiệu một thời kỳ mới của Cách mạng Việt Nam – toàn dân đứng lên cầm vũ khí đánh đuổi bọn cướp nước và bán nước, giành lại độc lập, tự do cho đất nước.
      Trước sự kiện nước Pháp đầu hàng quân Đức và làn sóng cách mạng trong nước sục sôi, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nhận định: “Việc Pháp mất nước là một cơ hội rất thuận lợi cho Cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước ngay để tranh thủ thời cơ, chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng”. Ngày 28/01/1941, Bác Hồ trở về nước cùng Đảng trực tiếp lãnh đạo Cách mạng Việt Nam. Sau quá trình chuẩn bị, tháng 5/1941, Hội nghị Trung ương 8 của Đảng Cộng sản Đông Dương được tổ chức tại Pắc Bó (Cao Bằng) đã xác định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của cách mạng Việt Nam, đưa nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Hội nghị đề ra nhiệm vụ gấp rút chuẩn bị lực lượng về mọi mặt và chớp thời cơ giành thắng lợi quyết định để giải phóng dân tộc, trong đó xác định chuẩn bị khởi nghĩa là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân; đồng thời, quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập Đồng minh (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh), tổ chức lực lượng vũ trang, huấn luyện quân sự, xây dựng căn cứ địa cách mạng, dự kiến phương pháp tiến hành cách mạng, từ khởi nghĩa từng phần tiến tới tổng khởi nghĩa, giành thắng lợi hoàn toàn trong cả nước...
      Cuối năm 1942, Hồng quân Liên Xô chuyển sang phản công bằng nhiều trận đánh lớn, giải phóng những vùng đất rộng lớn, tạo ra bước ngoặt quan trọng, giành thế chủ động trên chiến trường. Từ những thắng lợi quan trọng của Hồng quân Liên Xô trên các mặt trận, tháng 10/1944, trong thư gửi cho đồng bào toàn quốc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc dự báo: “Phe xâm lược gần đến ngày bị tiêu diệt. Các đồng minh quốc sắp tranh được sự thắng lợi cuối cùng. Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi. Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh!” và Người dự đoán, sau chiến thắng của quân đồng minh, sẽ có sự giải giáp quân Nhật, thực dân Pháp sẽ trở lại Đông Dương sau khi quân Nhật đầu hàng. Cuộc tổng khởi nghĩa của chúng ta phải nổ ra giữa thời điểm Nhật đầu hàng, thực dân Pháp chưa kịp quay lại, quân đồng minh chưa kịp đến, ta đứng trên tư thế người chủ mới để làm việc với đồng minh.
      Đúng như dự báo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và điều này được cụ thể hoá bằng đường lối, chủ trương đúng đắn, sáng tạo của Đảng Cộng sản Đông Dương nên đã từng bước tạo thế, lực và thời cơ mới – tiền đề vững chắc để dân tộc ta tiến lên tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền khi thời cơ chín muồi.
      Từ tháng 01/1944 đến tháng 01/1945, Hồng quân Liên Xô tiến công quét sạch quân đội Phát-xít trên toàn lãnh thổ đất nước Xô – viết, giải phóng nhiều nước châu Âu và truy quét Phát-xít Đức đến tận sào huyệt cuối cùng của chúng ở Béc-lin (Đức). Ở Đông Dương, ngày 09/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, ngay trong đêm đó, Ban Thường vụ Trung ương Đảng tổ chức họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Trường Chinh, nhằm đề ra chủ trương phát động cao trào kháng Nhật, cứu nước trên toàn quốc. Tiếp đó, ngày 12/3, Chỉ thị “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” ra đời, như một luồng sinh khí thổi bùng ngọn lửa cách mạng, thôi thúc nhân dân Việt Nam vùng dậy kháng Nhật, cứu nước. Tháng 4/1945, Hội nghị Quân sự Bắc Kỳ do Ban Thường vụ Trung ương triệu tập ở Hòa Hiệp, Bắc Giang đã “Đặt nhiệm vụ chính trị lên trên tất cả các nhiệm vụ cần kíp khác”. Kể từ đó, phong trào kháng chiến của nhân dân ta liên tục được diễn ra mạnh mẽ trên toàn quốc, làm lung lay nền thống trị của quân phiệt Nhật cùng bè lũ tay sai của chúng ở Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng.
 
Chiến thắng Phát xít đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân Việt Nam thực hiện thắng lợi cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 02/9/1945, mở ra một thời kỳ mới hết sức hào hùng trong lịch sử dân tộc. Ảnh: Tư liệu

      Tiếp nối những thắng lợi vang dội trên khắp các mặt trận, ngày 30/4/1945, lá cờ chiến thắng của Hồng quân Liên Xô tung bay trên nóc tòa nhà Quốc hội Đức; ngày 09/5/1945, Đức Quốc xã ký biên bản đầu hàng vô điều kiện. Trên đà thắng lợi, ngày 08/8/1945, Liên Xô tuyên chiến với Phát-xít Nhật và chỉ trong một tuần, Quân đội Xô – viết đã tiêu diệt hơn một triệu quân Quan Đông tinh nhuệ của Nhật Bản, buộc quân phiệt Nhật Bản ký Hiệp ước đầu hàng, kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai. Nhờ những thắng lợi vĩ đại của Liên Xô và các nước đồng minh trong cuộc chiến tranh chống chủ nghĩa Phát-xít đã tạo điều kiện thuận lợi, mở đường cho các quốc gia trên toàn thế giới vùng lên đấu tranh, xóa bỏ ách thống trị Thực dân - Phát-xít, thiết lập chính quyền dân chủ nhân dân. Trong đó, hàng loạt các nước ở châu Âu lần lượt được giải phóng, gồm: Ba Lan, Tiệp Khắc, Ru-ma-ni, Bun-ga-ri, Hung-ga-ri, Na Uy, Đan Mạch, Nam Tư, Áo... Tại châu Á, châu Phi và Mỹ La-tinh đã bùng lên cơn bão cách mạng và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc khiến thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc bị lung lay và từng bước bị sụp đổ; điển hình các quốc gia châu Á giành được nền hòa bình, độc lập, gồm: Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia, In-đô-nê-xi-a... Cũng nhờ chiến thắng vĩ đại của Liên Xô và các nước đồng minh đã làm xoay chuyển tình hình, cục diện thế giới, hình thành nên hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa hùng mạnh do Liên Xô đứng đầu, với các thành viên: Nam Tư, Ba Lan, Tiệp Khắc, Ru-ma-ni, Bun-ga-ri, Hung-ga-ri, An-ba-ni, Cộng hòa Dân chủ Đức, Mông Cổ, Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam và Cu-ba. Vậy là, sau chiến tranh thế giới II, chủ nghĩa xã hội từ một nước đã mở rộng ra thành 14 nước ở châu Âu, châu Á và châu Mỹ La-tinh. Sự kiện này đã làm cho chủ nghĩa tư bản không còn là hệ thống duy nhất mà song song là một hệ thống chính trị đối lập về bản chất và mục đích hoạt động; đồng thời, đây cũng là cơ sở, tiền đề, tạo nên thời cơ thuận lợi cho cách mạng Việt Nam giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Đánh giá về vai trò của chiến thắng chủ nghĩa Phát-xít, Đảng ta nhận định: “Nếu cuộc chiến tranh đế quốc lần trước đã đẻ ra Liên Xô, một nước xã hội chủ nghĩa, thì cuộc chiến tranh đế quốc lần này, sẽ đẻ ra nhiều nước xã hội chủ nghĩa, sẽ do đó mà cách mạng nhiều nước thành công”.
      Ở Việt Nam, nắm chắc thời cơ cách mạng và chớp thời cơ từ thắng lợi vĩ đại của Hồng quân Liên Xô, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào (tỉnh Tuyên Quang) từ ngày 13 - 15/8/1945 đã kêu gọi toàn dân đứng lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Và ngày 16/8/1945, cũng tại Tân Trào, Đại hội đại biểu quốc dân (Quốc dân Đại hội Tân Trào) đã tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng; đồng thời bầu ra Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, đồng chí Trần Huy Liệu làm Phó Chủ tịch. Thời cơ đã đến, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta... Chúng ta không thể chậm trễ. Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm. Tiến lên!”.
      Đáp lại lời kêu gọi thiêng liêng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, chỉ trong 15 ngày (13 - 28/8/1945), 25 triệu đồng bào cả nước, với tinh thần “đem sức ta mà giải phóng cho ta” đã nhất tề vùng lên làm nên thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945, giành chính quyền về tay nhân dân, chấm dứt sự thống trị gần trăm năm của thực dân và hàng nghìn năm của phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới đối với đất nước ta – kỷ nguyên tự do, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Thắng lợi của cách mạng Việt Nam còn góp phần không nhỏ cùng nhân dân thế giới trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội.
 
Pháo hoa mừng chiến thắng trên Quảng trường Đỏ ở Moskava, ngày 09/5/1945. Ảnh: Tư liệu

      Trong những ngày đầu tháng 5 này, nhiều nơi trên thế giới, trong đó đi đầu là nước Nga đã diễn ra nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Chiến thắng vẻ vang năm xưa để nhắc lại sự kiện tự hào và tưởng nhớ những con người đã hy sinh trong những năm tháng tàn khốc nhất lịch sử loài người, cũng như tri ân những cống hiến cho hòa bình thế giới, nhắc nhở phải luôn đấu tranh chống lại những mầm mống đe dọa tới nhân loại trong hiện tại.
      Chiến thắng ngày 09/5/1945 của Hồng quân và nhân dân Liên Xô cùng quân đồng minh là chiến công chung, niềm tự hào chung của các dân tộc trên toàn thế giới. 77 năm đã trôi qua, nhưng ý nghĩa thời đại và tầm vóc lịch sử của chiến công đánh bại chủ nghĩa Phát-xít vẫn còn nguyên giá trị, là dấu son chói lọi trong lịch sử nhân loại trong thế kỷ XX; có ý nghĩa thiết thực đối với nhân dân các dân tộc trên toàn thế giới trong sự nghiệp đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Trịnh Hường (Tổng hợp)