‘Chiếc gương’ để mỗi tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên ‘tự soi, tự sửa’


Quy định số 37-QĐ/TW ra đời như “chiếc gương” để mỗi tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên “tự soi, tự sửa” và không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng.
 

Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) đã ban hành Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 thay thế Quy định số 47-QĐ/TW ngày 01/11/2011 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Những điều đảng viên không được làm”, nhằm tăng cường kỷ cương, kỷ luật của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng. Song, các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội chính trị, phản động đã tung luận điệu xuyên tạc về quy định này.

‘Chiếc gương’ để mỗi tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên ‘tự soi, tự sửa’ ảnh 1

Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII). Ảnh: Tư liệu

Sau 10 năm thực hiện Quy định số 47-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Những điều đảng viên không được làm” đã tạo sự chuyển biến rõ rệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đội ngũ cán bộ, đảng viên ngày càng nhận thức rõ hơn về nhiệm vụ, trách nhiệm đối với công tác xây dựng Đảng và tự rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, lối sống. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng Quy định 47-QĐ/TW còn có những khó khăn, bất cập, cần phải cập nhật, bổ sung, sửa đổi và tháo gỡ những vướng mắc trong thi hành Điều lệ Đảng, để phát huy hơn nữa vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Do vậy, Đảng ta ban hành Quy định số 37-QĐ/TW thay thế Quy định số 47-QĐ/TW nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Thế nhưng, trên nhiều trang mạng xã hội và các đài, báo nước ngoài như: Tiếng dân, Việt Tân, RFA, VOA, BBC… các thế lực thù địch, cơ hội chính trị với thái độ hằn học, âm mưu thâm độc tự suy diễn, tự cho mình vai trò “phán xét”, viện dẫn ý kiến của đối tượng vốn có tư tưởng chống đối Đảng và Nhà nước Việt Nam. Họ xuyên tạc rằng, “Quy định số 37 là không cần thiết, lấn sân sang cơ quan hành pháp; vì những điều trong Quy định số 37 pháp luật cũng cấm rồi, chỉ những đảng viên đứng trên pháp luật, nằm ngoài pháp luật thì mới cần quy định này”. Họ còn cho rằng, Đảng ban hành Quy định số 37-QĐ/TW càng “chứng tỏ sự mục nát của chế độ”; nguồn gốc tham nhũng hiện nay là do “lỗi của thể chế chính trị”, lỗi hệ thống tạo ra chứ không phải do biện pháp thực hiện. Họ tung ra thông tin bịa đặt, thổi phồng các vấn đề “tham nhũng”, “tiêu cực”, suy diễn “mất đoàn kết” trong nội bộ Đảng, cho rằng, Đảng không kiểm soát được đảng viên, tình trạng suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống là phổ biến. Hoặc tung luận điệu “Đảng vi phạm nghiêm trọng quyền công dân theo Hiến pháp”; hiện nay Đảng “nhầm về phương hướng”, ban hành Quy định số 37-QĐ/TW “chỉ để lên gân, không kiểm soát được đảng viên”; đồng thời đưa ra những luận điệu sai lệch về một số điều trong Quy định nhằm bôi nhọ, nói xấu Đảng.

Thực chất, đây là những luận điệu xuyên tạc có chủ ý với âm mưu hết sức sai trái, thâm độc, muốn hạ thấp vị trí, vai trò, ý nghĩa quan trọng của Quy định số 37-QĐ/TW; nhằm phủ nhận những thành tựu to lớn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; hòng bẻ lái dư luận hướng tiêu cực làm suy giảm niềm tin, hạ thấp uy tín, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng.

Chúng ta khẳng định rằng, Đảng ta ban hành Quy định số 37-QĐ/TW là rất cần thiết, là công việc thường xuyên, liên tục và mang tính kế thừa. Việc bổ sung một số quy định mới để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tính khách quan, khoa học. Quy định về những điều đảng viên không được làm, nhằm nêu cao hơn nữa tinh thần nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên là hoàn toàn phù hợp với quy định tại Điều 4, Hiến pháp 2013. Điều này hoàn toàn trái ngược với những luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật của các thế lực thù địch.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế mới là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính” (1). Người yêu cầu từng tổ chức Đảng phải duy trì chặt chẽ kỷ luật, giữ nghiêm kỷ cương, nền nếp tổ chức, làm cho Đảng ta ngày càng xứng đáng với vai trò, vị trí và sứ mệnh lãnh đạo sự nghiệp cách mạng.

‘Chiếc gương’ để mỗi tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên ‘tự soi, tự sửa’ ảnh 2

Những năm qua, Đảng ta đã tập trung lãnh đạo thực hiện xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quyết tâm siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh cán bộ, đảng viên suy thoái, biến chất, tham nhũng, tiêu cực theo phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được thực hiện quyết liệt, kiên trì và nghiêm minh. Đặc biệt, Đảng ta đã chỉ đạo đưa các vụ án tham nhũng truy tố, xét xử nghiêm minh, thấu tình, đạt lý, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.

Quy định số 37-QĐ/TW đã bổ sung thêm những nội dung mới, đó là: Điều 3 quy định đảng viên không được: “Phản bác, phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; không thực hiện trách nhiệm nêu gương; chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi; “tư duy nhiệm kỳ”, đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa rời quần chúng”. Đây là điều bổ sung rất cần thiết trong tình hình mới, khi các thế lực thù địch ngày càng xuyên tạc, vu khống, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối của Đảng.

Điều 9 quy định đảng viên không được “…nhập quốc tịch, chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài, mở tài khoản và mua bán tài sản ở nước ngoài trái quy định”. Nếu thừa nhận một công dân có hai quốc tịch là việc bình thường, tuy nhiên, đối với đảng viên một khi nhập quốc tịch nước ngoài, chuyển tiền ra nước ngoài sẽ phải giải thích ra sao, trong khi Điều lệ Đảng ghi rõ: “Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Đảng, đặt lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp công nhân và Nhân dân lao động lên trên lợi ích cá nhân”.

Hoặc Điều 13, đảng viên không được: “Can thiệp, tác động vào hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, xét đặc xá, giải quyết khiếu nại, tố cáo để bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tác động, ép buộc, mua chuộc tổ chức, cá nhân để giảm trách nhiệm, hình phạt cho người khác”. Việc bổ sung nội dung này là phù hợp và cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu quyết tâm chính trị cao nhất trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng để làm cho Đảng ta ngày càng vững mạnh hơn, cán bộ, đảng viên gương mẫu hơn, tổ chức Đảng có sức chiến đấu cao hơn, đoàn kết nội bộ tốt hơn, gắn bó với Nhân dân mật thiết hơn để thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ chính trị đạt kết quả cao hơn”.

Có thể khẳng định, Quy định số 37-QĐ/TW ra đời như “chiếc gương” để mỗi tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên “tự soi, tự sửa” và không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng; đồng thời, thể hiện sự quyết tâm của Đảng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để tạo thêm niềm tin trong các tầng lớp Nhân dân. Đây là hành động thiết thực, cụ thể để mỗi chúng ta học tập và làm theo Bác, nhằm xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh.

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 3, trang260.
 

ThS. nguyễn Thanh Hoàng
Báo Nghệ An