Nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện chiến lược phát triển Nhà trường đến năm 2025, tầm nhìn 2030

Kính thưa quý vị đại biểu!
Kính thưa Đại hội!

Lời đầu tiên cho phép tôi được gửi tới Quý vị đại biểu cùng các đồng chí về dự Đại hội lời chúc hạnh phúc và thành đạt. Chúc đại hội thành công tốt đẹp!
Sau khi nghe Đoàn Chủ tịch thông qua dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 2015 - 2020 trình đại hội nhiệm Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025 cũng như dự thảo Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Đảng bộ Nhà trường nhiệm kỳ 2015 - 2020, tôi xin bày tỏ sự đồng thuận cao với nội dung các dự thảo báo cáo. Để làm sáng tỏ thêm nội dung phần mục tiêu, phương hướng trong nhiệm kỳ tới, tôi xin tham luận về nhiệm vụ và giải phápđể thực hiện chiến lược phát triển Nhà trường đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Kính thư các đồng chí!
Giai đoạn 2020 - 2025, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trương ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Quyết định số 761/QĐ-TTg ngày 23 tháng 5 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020”; Quyết định số 1363/QĐ-TTg ngày 11/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Đề án “Phát triển trường cao đẳng chất lượng cao đến năm 2025”; Thông tư 21/2018/TT-BLĐTBXH ngày 30/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quy định tiêu chí xác định chương trình chất lượng cao trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng (Trong đó, gồm: chương trình đào tạo, nhà giáo, cơ sở vật chất, trang thiết bị, người học và tổ chức quản lý). Thời gian qua công tác giáo dục nghề nghiệp của tỉnh nói chung và Nhà trường nói riêng đã đạt được những thành tích nhất định nhưng còn gặp nhiều khó khăn.
Trong bối cảnh đó, Đảng bộ Trường Cao đẳng Việt - Đức Nghệ An đã xác định mục tiêu tổng quát trong thời gian tới là: Đổi mới, sáng tạo phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực quyết tâm xây dựng Trường Cao đẳng Việt-Đức Nghệ An trở thành cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao, có uy tín, có năng lực cạnh tranh cao, góp phần nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, là địa chỉ vàng tin cậy cho tuổi trẻ khởi nghiệp, góp phần vào việc sớm đưa thành phố Vinh trở thành trung tâm vùng trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Để thực hiện được mục tiêu, chiến lược đó, có rất nhiều nhiệm vụ, giải pháp phải thực hiện. Trong khuôn khổ Đại hội hôm nay, tôi xin đề xuất một số nhiệm vụ và giải pháp chính yếu như sau:
Thứ nhất, cầntăng cường sự lãnh đạo của Đảng
- Tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ đối với mọi hoạt động của Nhà trường, đặc biệt là trong thực hiện chiến lược phát triển. Đảng ủy Nhà trường thực sự đi đầu, đổi mới, gương mẫu thực hiện và chịu trách nhiệm trước toàn thể đảng viên, cán bộ, viên chức, người lao động về việc chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện các mục tiêu chiến lược.
- Làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục làm thay đổi nhận thức, tạo sự đồng thuận trên cơ sở hiểu rõ sứ mệnh, tầm nhìn, thuận lợi khó khăn, cơ hội, thách thức và mục tiêu của trường trong giai đoạn mới để cùng nhau chung sức phát triển Nhà trường.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo phát triển đúng định hướng, chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng.
Thứ hai, chỉ đạo phát triển đào tạo
- Phát triển, mở rộng ngành nghề đào tạo phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội và theo nhu cầu của thị trường lao động trong nước cũng như thế giới. Chuyển từ đào tạo theo năng lực của trường sang đào tạo theo nhu cầu xã hội.
- Đổi mới nội dung, kết cấu chương trình đào tạo đảm bảo linh hoạt, thuận lợi cho việc tổ chức đào tạo theo nhiều phương thức; đảm bảo tính liên thông giữa các trình độ trong hệ thống giáo dục quốc dân. Các chương trình được công khai chuẩn đầu ra và được số hóa.
- Tổ chức biên soạn giáo trình nội bộ. Phấn đấu 100% các môn học, mô đun của các chương trình đào tạo có giáo trình, tài liệu tham khảo, được số hóa, khai thác qua hệ thống thư viện và thống nhất sử dụng.
- Chuẩn hóa hệ thống quy trình đảm bảo chất lượng trong Nhà trường và triển khai có hiệu quả. Có cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin hiện đại và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy học tập. Hướng tới xây dựng thư viện điện tử.
- Hợp tác với doanh nghiệp trong quá trình tổ chức đào tạo; Có tối thiểu 30% thời lượng chương trình để người học thực hành, thực tập tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Trong phần  phương hướng, mục tiêu có đặt ra chỉ tiêu: liên kết đào tạo 15-20 đơn vị, doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng người học, đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng lao động. Trong chiến lược phát triển, sự hợp tác này cần mở rộng về lượng và tăng cường về chất.
Thứ ba, chỉ đạo hoàn thiện về tổ chức bộ máy và tập trung xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý
- Để thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý cũng như quy mô phát triển của Nhà trường, cơ cấu tổ chức bộ máy của Nhà trường đến năm 2025 và những năm tiếp theo được thiết lập trên cơ sở hiện có; tiếp tục kiện toàn bộ máy, bổ sung chức năng, nhiệm vụ đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả phù hợp với Nghị quyết trung ương 6 khóa XII.
- Rà soát đánh giá đúng thực trạng đội ngũ, triển khai thực hiện Đề án vị trí việc làm phù hợp với sự phát triển. Sắp xếp lại đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên đảm bảo đủ số lượng, chất lượng, hợp lý về cơ cấu. Nghiên cứu, áp dụng các cơ chế tạo động lực cho người lao động, xây dựng đội ngũ người lao động trách nhiệm, tâm huyết, năng động, sáng tạo.
- Tổ chức đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp và đào tạo đạt chuẩn cho giảng viên theo tiêu chí trường chất lượng cao. Phấn đấu đến năm 2025,100% cán bộ quản lý và giảng viên đạt các điều kiện, tiêu chuẩn về quy định đối với trường cao đẳng chất lượng cao.
- Có kế hoạch đào tạo nhân lực chất lượng cao cho các ngành nghề trọng điểm, ngành mũi nhọn và yêu cầu phát triển cán bộ quản lý. Trong phương hướng, chúng ta dự kiến đến năm 2025 có ít nhất từ 1 - 2 tiến sĩ, 15 người học thạc sĩ; có khoảng từ 6 - 10 đồng chí học cao cấp LLCT và từ 8 - 15 đồng chí học trung cấp LLCT. Trong chiến lược phát triển, cần đào tạo có chiều sâu, bám sát yêu cầu đổi mới.
Thứ tư, chỉ đạo xây dựngcơ sở vật chất và trang thiết bị dạy nghề
- - Tiếp tục khai thác có hiệu quả cơ sở vật chất hiện có, đầu tư xây dựng các hạng mục công trình đáp ứng yêu cầu đào tạo theo định hướng phát triển nhà trường đạt chuẩn theo tiêu chí trường cao đẳng chất lượng cao. Đầu tư mua sắm trang thiết bị giảng dạy ưu tiên các nghề trọng điểm quốc tế, khu vực ASEAN và quốc gia.
- Đầu tư mua sắm thiết bị, dụng cụ dạy nghề từ chương trình mục tiêu quốc gia, từ nguồn ngân sách đảm bảo đồng bộ, hiện đại theo chuẩn từng nghề. Chú trọng đầu tư trang thiết bị cho các xưởng thực hành. Xây dựng một số xưởng thực hành, phòng thực hành kiểu mẫu đạt chuẩn khu vực và quốc tế.
- Trước mắt, tập trung tổ chức triển khai thực hiện thành công Dự án đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2020-2025, tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho giai đoạn này là 145 tỷ đồng, gồm các hạng mục công trình sau:
+ Nhà đa chức năng: Nhà 7 tầng, diện tích xây dựng 653,58m2, tổng diện tích sàn 4.575,1m2.
+ Nhà xưởng 2: Nhà 4 tầng, diện tích xây dựng 1.640,5m2, tổng diện tích sàn 6.562,0m2.
+ Nhà thi đấu thể thao: Nhà 2 tầng, diện tích xây dựng 450,0m2, tổng diện tích sàn 900,0m2.
+ Nhà ký túc xá: Nhà 5 tầng, diện tích xây dựng 680,52m2, tổng diện tích sàn 3.402,6m2.
(Với tổng diện tích sử dụng là 15.439 m2)

Thứ năm, chỉ đạo đẩy mạnh nghiên cứu phát triển khoa học, công nghệ
- Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong giảng dạy và học tập. Nâng cao chất lượng, tính thiết thực của các đề tài cấp cơ sở, tăng số lượng các đề tài cấp tỉnh, các bài báo, tạp chí khoa học.
- Xây dựng cơ chế khuyến khích, đãi ngộ, khen thưởng hợp lý đối với giảng viên có tay nghề giỏi, cán bộ có năng lực, nhiều đóng góp trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ. Tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để phát triển khoa học và công nghệ trong HSSV.
- Gắn hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ với sản xuất, kinh doanh và dịch vụ của nhà trường. Thực hiện dịch vụ cung cấp, chuyển giao công nghệ ra ngoài trường, tăng thêm nguồn thu cho Nhà trường.
Thứ sáu, chỉ đạo phát triển dịch vụ gắn với đào tạo
- Nghiên cứu thị trường, nắm bắt nhu cầu dịch vụ của các ngành kinh tế, xã hội, nhu cầu của người dân và doanh nghiệp gắn với các lĩnh vực đào tạo của trường để triển khai thực hiện các dịch vụ.
- Thành lập các tổ, nhóm dịch vụ trong các khoa để thực hiện dịch vụ, tiến tới từng bước xây dựng và thành lập các trung tâm để thực hiện dịch vụ.
- Xây dựng kế hoạch, lộ trình để lựa chọn phát triển dịch vụ ở các khoa nghề; gắn đào tạo với sản xuất, gắn thực hành với sửa chữa... Chủ động đa dạng hóa nguồn thu từ đào tạo, dịch vụ kỹ thuật, sản phẩm kỹ thuật.
Kính thưa Đại hội!
Xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển Nhà trường là nhiệm vụ quan trọng, bên cạnh sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp các ngành, đòi hỏi sự nỗ lực bền bỉ với thái độ nghiêm túc và quyết tâm của cả hệ thống chính trị Nhà trường, từ cán bộ lãnh đạo đến người lao động, từ giảng viên đến các HSSV. Sẽ có rất nhiều việc phải làm để biến ý chí thành hành động và từ đó dẫn tới thành công. Và mong rằng, mỗi thầy cô giáo, mỗi cán bộ viên chức, mỗi học sinh sinh viên của trường cùng trải nghiệm khoảng thời gian làm việc và học tập tại Trường Cao đẳng Việt - Đức Nghệ An trong sự hài lòng và niềm hạnh phúc như thông điệp của đồng chí Hiệu trưởng tại lễ công bố quyết định bổ nhiệm.
Một lần nữa, xin được chúc các quý vị đại biểu, các đồng chí sức khỏe, hạnh phúc!
Xin trân trọng cảm ơn!

ThS. Nguyễn Liêu - Bí thư chi bộ, Trưởng Phòng Tổ chức - Hành chính